(VOV5) - Giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của người dân kinh kỳ vẫn còn được lưu giữ và lan tỏa trong đời sống hiện đại.
Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội tổ chức trong 4 ngày cuối tuần qua đã thu hút được khoảng 8 vạn người dân và du khách. Tại lễ hội, người dân không chỉ được thưởng thức mà còn được xem nghệ nhân trình diễn cách thức thực hiện các món ăn cũng như tìm hiểu về nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội thông qua văn hóa ẩm thực.
Bánh cuốn Thanh Trì được làm thủ công nên lá bánh mềm và mỏng tang. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ẩm thực Hà Nội đã được nhắc đến nhiều qua thơ ca dân gian: “Bánh cuốn Thanh Trì,/ Bánh dày Quán Gánh/ Cá rô Đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây…”. Rồi: "Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì/ Tương Bần, húng Láng có gì ngon hơn?". Được lựa chọn từ 81 món ăn truyền thống của Hà Nội, 26 gian hàng tại lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội đã giới thiệu đến các thực khách những món ngon nổi tiếng đất Hà Thành như: bánh chưng Tranh Khúc, cốm Mễ Trì, bánh cuốn Thanh Trì, bánh dày Quán Gánh, phở Thìn, xôi chè Phú Thượng, giò chả Ước Lễ…
Du khách xem các bước thực hiện món phở gà của Hà Nội. |
Tái hiện phở gánh xưa |
Nhắc đến ẩm thực Hà Nội là nhắc đến sự tinh tế bởi nó hội tụ tinh hoa của đất kinh thành ngàn năm văn hiến. Gian hàng Phở Thìn tại lễ hội luôn tấp nập du khách. Để có một bát phở, phải trải qua những công đoạn cầu kỳ, từ kỹ thuật ninh nước dùng, đến việc chọn loại bánh phở dẻo, dai, cần nhiều loại gia vị khác nhau. Nước dùng của phở được ninh từ xương bò ngon, trong khoảng 12 giờ thì mới có nồi nước dùng trong, thơm đặc trưng mùi bò.
Trưng bày món bánh cuốn Thanh Trì tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2018 |
Còn bánh cuốn Thanh Trì thì lại mê hoặc thực khách vì lá bánh được tráng mỏng tang, mịn màng, ăn không ngán, dậy mùi thơm phức của hành phi cùng với nước chấm thơm ngon khó cưỡng.
Bà Hoàng Thị Lan (bìa phải) cho biết dù làm bánh cuốn không trở nên giàu có nhưng bà vẫn đeo đuổi nghề mà ông bà, cha mẹ đã để lại. |
Bà Hoàng Thị Lan, 63 tuổi, có hàng chục năm làm nghề bánh cuốn ở phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Trong cả quận Hoàng Mai thì món bánh cuốn của gia đình chúng tôi được mời tham gia thực hiện quy trình trải nghiệm tại lễ hội. Tôi rất tâm huyết với nghề nên tôi mới nhận gian trải nghiệm này. Bánh cuốn Thanh Trì chúng tôi làm thủ công, tinh hoa, bánh trắng nõn, mềm, dẻo, giòn, ngon”.
Chị Vũ Thị Phượng đang làm món miến lươn cho thực khách |
Quán miến lươn 30 năm nức tiếng Hà thành ở số 1 Chân Cầm cũng góp mặt trong khu vực ẩm thực. Điều làm nên sự đặc biệt cho những bát miến lươn Minh Lan này chính là ở món lươn khô giòn tan và nước dùng được chế biến kỳ công theo công thức gia truyền đặc biệt. Tiết và xương lươn ninh thật nhừ rồi cô đặc thành nước cốt, sau đó hòa thêm nước tạo ra thứ nước sốt sánh đặc, rất riêng của quán. Sợi miến mềm dai vừa độ, lươn ngọt đậm lại giòn. Chị Vũ Thị Phượng cho biết: “Nhà có bốn chị em gái đều làm miến lươn. Bát miến lươn ngon thì quan trọng nhất là nước dùng và lươn là thứ hai. Quan trọng nhất là nước không bị tanh, không có mùi”.
Đến khu vực tái hiện lại không gian văn hóa của các nghề truyền thống gắn với di sản ẩm thực tiêu biểu của Hà Nội, qua chiếc cổng làng Bánh chưng Tranh Khúc, du khách được tham quan và trải nghiệm quy trình sản xuất, chế biến một chiếc bánh chưng “ăn là nhớ” nổi danh khắp cả nước. Chị Nguyễn Thị Phương Hường, một người con của thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà, Hà Nội cho biết về cách làm một chiếc bánh chưng ngon: “Muốn làm được cái bánh chưng ngon phải gồm rất nhiều khâu. Đầu tiên là khâu chuẩn bị các khâu gạo,đậu, thịt. Gạo ngon mới tạo nên bánh chưng ngon. Tiếp theo đó nữa là công nghệ gói, Gói làm sao cho cái bánh nó chắc. Khi luộc lên thì bánh vẫn chắc và dền. Trong khi luộc, phải để ý đến lượng nước trong nồi. Làm sao để đúng giờ, đúng thời điểm thì phải châm thêm nước, để bánh dền, không bị sượng, không bị nhão”.
Các bà, các chị thướt tha trong tà áo dài đi dự lễ hội |
Không gian văn hóa của các làng nghề ẩm thực nổi tiếng của Hà Nội được trưng bày một cách công phu, đưa du khách về với phố và làng nghề của Hà Nội xưa có cổng và những ngôi nhà cổ với mảng tường rêu phong. Tham quan lễ hội, bà Tạ Thúy Lợi, 73 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, bày tỏ niềm tự hào về các món ngon của đất kinh kỳ: “Buổi sáng người Hà Nội thích ăn nhẹ nhàng, có thể là một đĩa bánh cuốn hoặc một chút cốm Vòng là tôi thấy đảm bảo đủ dinh dưỡng. Vì người Hà Nội ăn ít, ăn thanh cảnh và nói năng thanh lịch. Đó là nét của người Hà Nội. Tôi thấy mình nên duy trì, động viên các làng nghề giữ các món ăn đúng hương vị từ trước đến nay. Con cái đi nước ngoài chúng tôi thường gửi quà Hà Nội sang để nhớ về Hà Nội. Sở dĩ, chúng tôi đến lễ hội này bởi vì muốn nhớ lại ngày xưa được bố mẹ dẫn đi. Bây giờ, hơn 70 tuổi rồi vẫn thấy thích và háo hức, đi chơi đâu, chúng tôi đều mặc áo dài để tôn vinh người Hà Nội”.
|
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, người Hà Nội tinh tế, cầu kỳ trong cách ăn uống và thanh lịch, tao nhã trong cách ứng xử. Giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của người dân kinh kỳ vẫn còn được lưu giữ và lan tỏa trong đời sống hiện đại.