Tây Bắc mùa lá dong

(VOV5) - Có lẽ từ lâu, trong cuộc sống của cư dân Việt, tàu lá dong xanh ngắt đã gắn bó sâu nặng và trở thành một hình ảnh quen thuộc. Nhưng đối với người dân ở những bản Tày vùng cao Tây Bắc, lá dong không chỉ quen thuộc mà còn hiện diện trong đời sống tâm hồn, tình cảm và sinh hoạt của đồng bào. 

Tây Bắc mùa lá dong - ảnh 1


Bấm để nghe âm thanh:



Người dân Tày sống rải rác quanh các triền núi Tây Bắc, bên ven suối và nặng lòng với nơi mình đã chôn nhau cắt rốn. Ở đó, trong cuộc mưu sinh đầy gian nan, người dân bản Tày đã gắn chặt với núi rừng đến thủy chung để sống với núi, dựa vào núi để đi lên. Và từ đó, lá dong đã đi vào cuộc sống bản Tày như một điều tự nhiên. Lá dong thường mọc trên núi cao, bên ven suối, quanh năm xanh tốt. Nó phát triển mạnh vào mùa thu để chuẩn bị cho con người những mẻ lá to bản xanh tốt để gói bánh tết. Vì vậy, người Tày ở các bản hái được dong ở bất kỳ mùa nào trong năm. Lá dong gắn bó nhiều và hiện diện khắp nơi trong sinh hoạt của cư dân Tày.

Người Tày Tây Bắc coi lá dong giống như người bạn không thể thiếu được của bản mình. Lá dong được dùng để gói ghém, từ những hạt giống hái được trên rẫy cao, đến nắm rau đắng rừng xanh ngắt mà sơn nữ Tày hái được trên rẻo đá, hay mấy chú cá suối đuôi hồng mà bọn trẻ chăn trâu chài được vào buổi chiều đông… Người ta gói tất cả những gì kiếm được từ rừng trong tàu lá dong xanh ngắt. Khi về nhà, bên bếp lửa, trên căn nhà sàn ấm cúng, lá dong góp mặt làm nên mái ấm của bản Tày. Người ta dùng lá dong gói cá suối, đưa vào lam trong bếp than hồng làm thành món ngon chỉ có ở nơi này. Rồi mớ rêu đá lượm được bên ven suối cũng được người ta gói vào lá dong xanh ngắt rồi đưa vào lam. Văn hóa ẩm thực của người Tày có lẽ từ đó mà ra.

Tây Bắc mùa lá dong - ảnh 2

Không chỉ có mặt ở trong cuộc sống thường ngày, lá dong còn hiện diện trong những sự kiện quan trọng của bản Tày. Chàng trai Tày gói trầu cau, đồ trang sức trong lá dong tươi và xanh ngắt cùng lễ vật đến nhà người mình yêu ăn hỏi. Lá dong gói xôi ngũ sắc là một tuyệt phẩm của người Tày nơi đây trong lễ cưới hỏi, hội làng, hội bản. Màu xanh của lá hòa lẫn màu đỏ, màu vàng, màu tím của xôi làm cho vốn ẩm thực nơi đây kỳ diệu biết mấy. Lá dong gói những bát cơm thơm dẻo trong ngày cưới, lá dong dùng để lót dưới mâm rồi để đồ ăn lên trên mà ngon mắt. Người ta cũng dùng lá dong để gói gạo, gói tên tuổi, vật kỷ niệm cho người lúc nhắm mắt xuôi tay trong niềm lưu luyến tiếc thương. Bà cụ Tày móm mém dùng lá dong gói cả một phong tục ăn trầu trong túi nhỏ đáng quý.


Ngày tết, lá dong có mặt trong tất cả những căn nhà sàn để làm thành một phong tục ngàn đời của dân tộc đó là gói bánh chưng. Người Tày một năm có nhiều tết. Ngoài tết nguyên đán ra còn có rằm tháng giêng, rằm tháng bảy, ngày hội xuống đồng, lễ ăn cơm mới… Vào những dịp đó, người Tày đều dùng lá dong để gói bánh. Cẩn thận đến mức trang trọng, người ta chọn những tàu lá dong tươi xanh, lành lặn và to bản để gói bánh. Vì theo họ, có như thế, cuộc sống năm mới sẽ được no ấm và may mắn. Mỗi một tết, người Tày lại có quy định gói mấy lượt lá ở mỗi chiếc bánh, đó là phong tục đã có từ lâu đời.

Tây Bắc mùa lá dong - ảnh 3

Cứ như thế, tàu lá dong từ trên đỉnh núi cao đã đi vào đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của người Tày ở vùng cao Tây Bắc. Hình như sự hữu dụng của nó từ lâu đã làm cho nó vốn quen thuộc mà trở nên gần gũi, gắn bó thân thiết với đồng bào. Mỗi khi bước chân lên bậc thang nhà sàn hay giữa chợ phiên đông vui tấp nập, người ta lại thấy màu xanh ấm áp của lá dong trên bàn tay của những người dân Tày bình dị, mến khách./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác