Thông qua xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với cộng đồng địa phương, các cơ quan và tổ chức khác, AOP tập trung giúp người dân đảm bảo nguồn thu nhập bền vững, với trọng tâm tạo quyền tự chủ về kinh tế cho phụ nữ. Bên cạnh lĩnh vực hoạt động về biến đổi khí hậu, quản trị và y tế cộng đồng, những dự án phát triển du lịch cộng đồng ở Hòa Bình, Sơn La đang đem lại những kết quả tích cực giúp bà con cải thiện cuộc sống, gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Mới đây, AOP hỗ trợ khai trương 2 mô hình du lịch tại bản Nà Bai, Phụ Mẫu ở xã Chiềng Yên (Sơn La) nhằm giúp bà con nơi đây cải thiện sinh kế, phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. PV Đài TNVN phỏng vấn ông Nguyễn Tất Quân, Quản lý Dự án Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Du lịch cộng đồng (GROW) do tổ chức AOP tại Việt Nam triển khai tại Sơn La.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Xin ông cho biết những dự án phát triển du lịch cộng đồng mà AOP đang triển khai đang giúp người dân ở Hòa Bình, Sơn La…cải thiện sinh kế, xây dựng và phát triển cộng đồng bền vững?
Ông Nguyễn Tất Quân, Giám đốc AOP tại Việt Nam. |
Ông Nguyễn Tất Quân: Về du lịch, từ năm 2014, AOP bắt đầu làm du lịch cộng đồng tại Đà Bắc ở tỉnh Hòa Bình. Dựa trên cơ sở đó, với sự hỗ trợ của chính phủ Australia, năm 2019, chúng tôi chính thức có những khảo sát tại Nà Bai, Phụ Mẫu.
Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc triển khai dự án, khiến chất lượng dịch vụ chưa được như thiết kế nên phải đến tháng 3 năm nay, chúng tôi mới có thể bắt đầu khai trương điểm du lịch cộng đồng tại Chiềng Yên .Thực ra, cũng nói thêm nữa là năm 2021, chính phủ Australia thúc đẩy triển khai dự án Great. Theo đó tập trung nhiều cho 2 tỉnh là Lào Cai, Sơn La. Và, AOP là một trong những tổ chức được lựa chọn để thực hiện mảng dự án GROW về Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua du lịch cộng đồng. Chúng tôi nghĩ rằng, du lịch cộng đồng có thể mang tới nhiều hỗ trợ, sinh kế cho bà con thông qua các tổ nhóm dịch vụ văn hóa văn nghệ, ẩm thực, trồng trọt chăn nuôi…qua đó, giúp bà con cải thiện cuộc sống và nâng cao thu nhập. Du lịch cộng đồng, theo chúng tôi hiểu thu hút sự tham gia của phụ nữ, tạo ra các công việc mà phụ nữ có thể tham gia được.
Văn nghệ chào mừng khai mạc điểm du lịch cộng đồng Nà Bai - Phụ Mẫu |
Tại các homestay, các chủ homestay, các tổ nhóm, dịch vụ thì đa số là phụ nữ. Tôi nghĩ du lịch cộng đồng chính là cơ hội để phụ nữ có thể tham gia trong quá trình phát triển kinh tế gia đình nói riêng và đặc biệt có thể tham gia vào vị trí lãnh đạo của hợp tác xã. Ngoài các phát triển kinh tế, kỹ năng, nâng cao năng lực chúng tôi nhận thấy phụ nữ có vai trò mới, và cũng chính là điều mà AOP hướng tới trong tất cả các hoạt động của AOP.
PV: Thưa ông, với những lợi thế và tiềm năng, Sơn La tiếp tục được lựa chọn để mở rộng cho phát triển du lịch cộng đồng. Tiêu chí mà những dự án phát triển du lịch cộng đồng mà AOP muốn hướng tới là gì?
Ông Nguyễn Tất Quân: Sơn La cũng như Hòa Bình và một số nơi khác ở phía Bắc rất có nhiều thế mạnh về thiên nhiên, ví dụ như bản Phụ Mẫu đây có Mó nước nóng, có thác Tạt-Nàng và nhiều cảnh quan thiên nhiên vẫn hoang sơ. Cùng với đó, đồng bào dân tộc Sơn La có rất nhiều bản sắc văn hóa. Tất cả đều có thể hấp dẫn và lôi kéo du khách đến đây, nếu bà con biết tận dụng để làm du lịch. Vì thế, bằng những hỗ trợ của mình, AOP có thể giúp bà con phát triển du lịch cộng đồng, do cộng đồng quản lý và hưởng lợi.
Mó Nước Bò ấm là điểm ưa thích của du khách và người dân địa phương. Ảnh HL |
Thực ra, với mỗi bản người dân tộc ở Sơn La đều có tài sản thiên nhiên, văn hóa khác nhau. Dựa trên thế mạnh, tài sản sẵn có của cộng đồng địa phương đó để mình giúp bà con phát triển kinh tế, trong khi vẫn phải đảm bảo việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, môi trường cũng như bản sắc văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc nơi đây. Còn ở góc độ về chính sách, chúng tôi cũng đề nghị với chính quyền địa phương là yêu cầu bà con cố gắng duy trì bản sắc dân tộc. Ví như nếp nhà của người Thái nhiều vùng bà con bắt đầu xây theo kiểu người ở xuôi. Điều đó đang phá vỡ không gian cũng như bản sắc văn hóa vốn có của bà con dân tộc nói chung.
Mục đích của du lịch cộng đồng là làm sao tổ chức lại được cộng đồng và cộng đồng phải tiếp quản được. Nghĩa là, làm sao mà tất cả các thành viên trong cộng đồng có thể tham gia được chuỗi du lịch và từ đó được hưởng lợi và chất lượng cuộc sống của họ được nâng cao. Đó chính là vấn để mà chính quyền cũng như các tổ chức, chẳng hạn như AOP chúng tôi cần quan tâm.
Như với từng làng bản, nếu chỉ tập trung vào phát triển mỗi dịch vụ lưu trú như homestay thì cũng khó, không phải ai cũng tham gia. Vì thế, trong mô hình chung đó, chúng tôi cố gắng thiết lập các tổ nhóm dịch vụ khác nhau, như nhóm hướng dẫn viên, nhóm ẩm thực, nhóm hướng dẫn viên, nhóm văn nghệ, nhóm vận chuyển. Tức là, có rất nhiều nhóm với các thành phần khác nhau để tất cả bà con trong cộng đồng ai cũng có thể tham gia, cùng chung vào làm sao có nhiều người dân được hưởng lợi nhất từ mô hình du lịch cộng đồng ở địa phương.
Du khách khám phá trải nghiệm trekking xuyên rừng. Ảnh HL |
PV: Vâng, như Nà Bai, Phụ Mẫu với lợi thế thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ bản sắc văn hóa còn nguyên vẹn nhưng liên quan đến du lịch thì rất sơ khởi, kiến thức làm du lịch của bà con gần chưa có. Vậy trong quá trình triển khai dự án, AOP gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
Ông Nguyễn Tất Quân: Thuận lợi thứ nhất chính là sự ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương và thứ 2 là nguồn vốn tài trợ của chính phủ Australia. Sơn La cũng đã có một Ban chỉ đạo dự án. Bà con thì rất mong muốn được cùng phối hợp để làm. Thực ra thì việc hỗ trợ từ dự án cũng không nhiều lắm, chủ yếu cho việc nâng cao năng lực, tập huấn kỹ năng, tổ chức lại cho bà con làm du lịch. Hỗ trợ về tài chính không nhiều nên cái chính là do bà con tự làm, tự đầu tư.
Về khó khăn, ví như đại dịch Covid-19 vừa rồi đã làm đứt quãng rất nhiều nỗ lực của bà con. Đã chuẩn bị đón khách thì bị ngừng lại do lệnh giãn cách, phong tỏa và sự đình trệ kéo dài suốt 2 năm đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của bà con. Rồi không có khách đến làm mất đi động lực và sự hào hứng. Ngoài ra việc tập huấn, đào tạo, triển khai đầu tư đều bị đình trệ. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng ở đây chưa có gì, đường xá nhỏ, xấu, các công ty lữ hành không thể đưa được các đoàn khác lớn vào được, lớn nhất chỉ là xe 29 chỗ.
PV: Vâng, nâng cao nhận thức cho bà con về phát triển kinh tế vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa, gìn giữ cảnh quan thiên nhiên được AOP tập huấn như thế nào?
Ông Nguyễn Tất Quân: Thời gian đầu, bà con chưa hình dung câu chuyện làm du lịch như thế nào và cần phải có những kỹ năng gì đề đón khách đến. Ngoài ra, bà con cũng chưa hiểu được du khác nội địa hay quốc tế đến vùng mình thì phải làm như thế nào. Cho nên, cũng phải rất từ từ để bà con tiếp nhận. Chúng tôi đã đưa bà con thăm những mô hình đã làm rồi, nhà cửa nên cải tạo theo tiêu chuẩn như thế nào. Đôi khi, chưa hình dung nên bà con làm theo cách của mình. Vì thế, chúng tôi phải có những trao đổi, tập huấn, các cuộc họp để đưa ra thống nhất hương ước quy định từ thôn bản. Ví dụ trong một thôn không phải nhà nào cũng làm homestay được nên việc đón khách nên quy định tránh việc ồn ào, không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Bởi vì, điều quan trọng của làm du lịch cộng đồng là làm sao tổ chức được cộng đồng và làm nào để cho nhiều nhất các thành viên trong cộng đồng tham gia và hưởng lợi.
PV: Vâng, với những thành công bước đầu tại Sơn La và nhiều điểm du lịch cộng đồng trước đó, tới đây AOP có kế hoạch phát triển nhân rộng mô hình du lịch này như thế nào ở Việt Nam, thưa ông?
Ông Nguyễn Tất Quân: Vâng, tại tỉnh Sơn La thời gian đầu tiên AOP làm ở bản Ngọc Chiến (Mường La) từ năm 2018, rồi bản Dọi (Mộc Châu). Tiếp theo là Nà Bai, Phụ Mẫu (Vân Hồ). Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm đối với 2 bản này để giúp cho việc đón khách mùa du lịch 2022 này được tốt hơn. Chúng tôi muốn hướng đến mô hình du lịch tốt như ở du Đà Bắc (Hòa Bình), hay bản Đá Bia xếp hạng cấp 5 sao của ASEAN. AOP đã có những thành công ban đầu về phát triển mô hình du lịch cộng đồng và có rất nhiều địa phương muốn mở rộng hợp tác với chúng tôi về phát triển du lịch cộng đồng.
Tới đây, AOP sẽ mở rộng hoạt động về cung cấp tư vấn kỹ thuật, nhân rộng mô hình ở Tam Đường (Lai Châu), Tủa Chùa, Mường Phăng (Điện Biên) nhằm phát triển du lịch cộng đồng nói chung. Đáng mừng là, Du lịch được đưa vào là chương trình trọng điểm trong xây dựng, phát triển nông thôn mới ở Việt Nam.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông