(VOV5) - Tôi luôn tâm niệm rằng, cuộc sống và sức khoẻ tinh thần phải luôn tích cực và khoẻ mạnh, thì công việc mới có thể hiệu quả.
Việt Nam ngày càng có nhiều có nhiều bạn trẻ chọn con đường du học nước ngoài. Có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến và khi có đủ trải nghiệm và tiếp thu tri thức, nhiều bạn thường có mong muốn quay về đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Trần Phương Thảo là một người trẻ như thế. Bận rộn ở phòng nghiên cứu dịch tễ tại Mỹ và công việc tình nguyện STEAM for Việt Nam đều khiến cô vui vì như được góp một phần công sức nhỏ bé cho cộng đồng. Bởi, theo cô, dù đang sống ở bất kỳ đâu trên thế giới, ai cũng đều có thể cống hiến được cho đất nước, miễn trái tim của mình luôn có nơi để hướng về. Đây cũng là nội dung cuộc trò chuyện giữa Phương Thảo và PV Đài TNVN.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Xin chào Phương Thảo, trước hết, chị có thể chia sẻ đôi chút về công việc và cuộc sống hiện tại với thính giả Đài TNVN?
Phương Thảo: Cơ duyên đi du học của tôi đến từ một lần được gặp và tiếp xúc với một người chị từng có thời gian đi du học tại Mỹ, trong một lần lên học bài tại Trung tâm Hoa Kỳ, ở ĐSQ Mỹ - Hà Nội. Được nghe về hành trình học tập và trải nghiệm của chị ở Mỹ khiến tôi được truyền cảm hứng rất nhiều, từ đó tôi bắt đầu quyết tâm học tiếng Anh và ôn luyện để nộp đơn du học. Trong suốt hai năm đầu đại học, tôi tham gia rất nhiều các chương trình mentorship từ các anh chị đi trước, tham gia làm thực tập sinh trong trường ở các khoa khác nhau để hiểu về bản thân tôi hơn. Tôi hiểu rằng, một ngành học phù hợp cần là ngành học mà tôi có niềm đam mê, đồng thời tôi cũng cần giỏi và có kiến thức nền tảng tốt trong ngành học đó.
Trần Phương Thảo Trần Phương Thảo làm việc tại Khoa Phân tử dịch tễ của Viện Sức khỏe Môi trường tại bang Washington, Mỹ (Ảnh: NVCC). |
Thời gian đầu tôi làm thực tập tại khoa Não bộ của bệnh viện University of Washington để nghiên cứu về cơ thể con người và hệ thần kinh. Sau đó tôi chuyển sang làm việc tại khoa Kỹ thuật sinh học, với tập trung nghiên cứu về Tim mạch. Năm cuối đại học, nhờ mạng lưới với các viện nghiên cứu của trường đại học tôi theo học - University of Washington, tôi đại diện trường làm thực tập sinh tại Hội đồng Hóa học Vật lý Quốc gia Tây Ban Nha. Tham gia học tập và nghiên cứu tại đây đã trang bị thêm nhiều kiến thức cho tôi trong ngành sinh học phân tử, thực hành các kĩ thuật phân tích có tính ứng dụng cao trong ngành vi sinh. Từ đó tạo bước đà cho vị trí công việc toàn thời gian sau này của tôi tại Khoa Phân tử dịch tễ tại Viện Sức khỏe Môi trường tại bang Washington.
PV: Hãy chia sẻ thêm chút về công việc tại Khoa phân tử dịch tễ và những dự án y tế mà chị tham gia cùng các chuyên gia Mỹ. Đó hẳn là công việc khó và đòi hỏi rất nhiều thời gian, sự tỉ mẩn kiên trì nhỉ?
Trong 6 năm tại Mỹ, Phương Thảo tham gia nhiều dự án dịch tễ quốc gia. Ảnh nvcc |
Phương Thảo: Vâng, thời gian hơn 6 năm làm việc trong ngành y tế tại Mỹ, tôi được thực hiện các dự án dịch tễ quốc gia trong nhiều lĩnh vực của đời sống, từ việc xây dựng các bài báo nghiên cứu về dịch tễ, đến dự án các bộ phim tài liệu, các dự án an toàn thực phẩm, an toàn môi trường, nguồn nước đến các dự án phức tạp hơn liên quan trực tiếp đến sức khoẻ con người của USDA (Bộ Nông Nghiệp Mỹ) và Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ). Tôi vẫn nhớ vào năm 2020, Seattle- thành phố tôi đầu tiên của nước Mỹ phát hiện ca nhiễm COVID.
Là người làm việc trong ngành y tế, tôi và các cộng sự tuyến đầu đã được tăng cường, huy động làm việc bất kể ngày đêm với mong muốn đẩy lùi đại dịch, mặc dù trong môi trường làm việc các trang thiết bị bảo hộ còn nhiều thiếu thốn và các thông tin nghiên cứu về Covid còn rất hạn chế. Việc đóng góp một phần vào quá trình nghiên cứu dịch bệnh và các giải pháp ngăn chặn bệnh dịch cho cộng đồng, thực sự khiến tôi càng yêu công việc của tôi hơn và tiếp thêm động lực để tiếp tục gắn bó với nghề, Đúng vậy, nếu thực sự có đam mê, thì mỗi ngày đi làm sẽ đều rất có ý nghĩa với bản thân tôi.
PV: Tình cờ chị được được biết tổ chức giáo dục Steam for Việt Nam, về Phương Thảo và thành tích mà học sinh Việt Nam đạt được tại cuộc thi đấu robot quốc tế năm 2023 tại Mỹ. Cơ duyên nào đưa Thảo đến với công việc liên quan đến ngành giáo dục này vậy ?
Phương Thảo: Thời kỳ đại dịch Covid-19 mà tôi lại có cơ duyên với STEAM for Vietnam. Bản thân tôi có thể có nhiều cơ hội phát triển trên sân chơi quốc tế như thế này, một phần rất lớn nhờ sự hướng dẫn và hỗ trợ từ các thầy cô giáo thời phổ thông tại Việt Nam của tôi. Thời điểm giữa đại dịch, tôi cảm thấy tôi cần làm gì khác đi để có thể tiếp tục cống hiến cho đất nước. Nhờ có công nghệ, mà thế giới trở nên phẳng hơn, từ đó mà những người trẻ Việt, dù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới cũng đều có thể góp một phần công sức cho Việt Nam, và vì vậy tôi quyết định tham gia STEAM for VietNam cùng với hơn 200 người Việt trẻ, cũng đang công tác tại các công ty công nghệ lớn tại thung lũng Silicon và tại hơn 13 múi giờ khác trên thế giới.
Phương Thảo giữ vị trí Giám đốc vận hành (COO) tại Steam For Viet Nam |
Tôi bắt đầu tại STEAM for Viet Nam với vị trí quản lý dự án giáo dục - lớp Nhập môn Tư duy máy tính cùng Scratch - lớp học tiên phong với cách tiếp cận hoàn toàn mới, mỗi bài học là một tập phim với các tuyến nhân vật, và được giảng dạy bằng chính các thầy cô có kinh nghiệm làm việc tại các công ty công nghệ hàng đầu thế giới ngay tại thung lũng Silicon. Nhờ mô hình tình nguyện viên và là dự án phi lợi nhuận, nên tổ chức cũng thu hút được rất nhiều các chuyên gia người Việt có tâm có tầm, mà dù có tiền thì cũng chưa chắc có thể có được sự hỗ trợ từ họ. Chính việc được làm việc hằng ngày với những người giỏi hơn tôi, ở nhiều lĩnh vực, từ công nghệ, giáo dục, tới start-up, giúp tôi trưởng thành và tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm quý báu.
STEAM for Vietnam đã mang lại cơ hội giáo dục STEAM đẳng cấp quốc tế miễn phí học sinh tại trên 63 tỉnh thành ở Việt Nam. Ảnh: Phương Thảo và các em học sinh |
Sau gần 4 năm hoạt động, STEAM for Vietnam đã mang lại cơ hội giáo dục STEAM đẳng cấp quốc tế hoàn toàn miễn phí cho hơn 50.000 học sinh đăng ký trên 63 tỉnh thành tại Việt Nam và hơn 7.000 giáo viên từ chương trình “Train the Trainers” 2024- đào tạo Giáo viên toàn quốc với Tư duy máy tính và GenAI.
Tiếp nối thành công từ năm 2023, đánh dấu lần đầu tiên Việt nam có STEAM for Vietnam đồng hành cùng một đoàn lớn thứ 5 trên thế giới gồm 19 đội học sinh tiểu học và trung học cơ sở với hơn 100 học sinh tranh tài tại Giải đấu Robot lớn nhất hành tinh VEX Worlds ở Dallas, Texas Mỹ, mang về 5 giải thưởng trên nhiều hạng mục của cuộc thi.. Chuyến hành trình du đấu tại Mỹ không chỉ là trải nghiệm thi đấu robot cùng bạn bè quốc tế, mà nhân cơ hội này, STEAM for Viet Nam mong muốn các học sinh Việt Nam có cơ hội đi ra thế giới, được tận mắt chứng kiến và trò chuyện cùng các chuyên gia người Việt làm việc tại Mỹ thông qua hoạt động trải nghiệm trụ sở Google tại thung lũng Silicon, đại học Stanford, Trung tâm không gian vũ trụ NASA - Texas, để từ đó, học sinh Việt Nam nuôi những giấc mơ lớn hơn và hiểu được rằng mọi ước mơ đều không có giới hạn.
Ngoài công việc chuyên môn và ở Steam For Viet Nam, Phương Thảo rất năng nổ trong các hoạt động xã hội, tình nguyện viên. |
PV: Có thể cảm nhận ở Phương Thảo có nhiều năng lượng rất tích cực. Điều gì khiến bạn yêu thích công việc ở Steam for Viet Nam cũng như công việc nghiên cứu ở Mỹ.Và Phương Thảo thường làm gì để vượt qua những mệt mỏi và áp lực cuộc sống để làm tốt những công việc về giáo dục và y tế?
Phương Thảo: Đối với tôi, được làm công việc tôi có đam mê và đóng góp cho xã hội một cách tích cực đã là một niềm hạnh phúc lớn. Chính vì vậy mà tự bản thân thấy thật may mắn vì có duyên làm việc trong cả ngày giáo dục và y tế. Tại công việc trong ngành y tế, mỗi một dự án qua đi, tôi đều được trau dồi với rất nhiều kiến thức và khoa học công nghệ mới. Ngành y yêu cầu người làm nghề cần học hỏi thường xuyên, vì vậy mà mỗi ngày tới viện làm việc, đối với tôi là một ngày có cơ hội làm mới kiến thức chuyên môn. Vì đặc thù ngành, nên nhiều khi công việc cũng đòi hỏi cần làm khuya hoặc sáng sớm, nhưng tôi hiểu công việc của tôi có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của cộng đồng, nên vì thế càng làm động lực cho tôi thêm cố gắng.
Làm việc cho STEAM mặc dù là công việc tình nguyện, nhưng những cơ hội được phát triển bản thân, phát triển trong công việc là chiếc nam châm khiến các tình nguyện viên ngày một gắn bó với tổ chức. Để cân bằng cuộc sống, tôi luôn cố gắng phân chia thời gian hợp lý nhất cho công việc, gia đình, bạn bè và các sở thích của cá nhân. Tôi luôn tâm niệm rằng, cuộc sống và sức khoẻ tinh thần phải luôn tích cực và khoẻ mạnh, thì công việc mới có thể hiệu quả.
Học sinh Việt Nam dành giải tại VEX Worlds ở Dallas, Texas Mỹ, |
Nên vì vậy, ngoài đi làm thì việc đi giao lưu các hoạt động xã hội, làm tình nguyện viên để mở rộng mối quan hệ và bạn bè hay chơi thể thao cũng nên được ưu tiên trong cuộc sống. Sức khỏe tinh thần có phấn khởi và khỏe mạnh, thì mới có thể có được sự hiệu quả trong công việc. Ngoài ra việc phân nhỏ từng giai đoạn của một công việc, hay một dự án ra thành các nhánh khác nhau cũng giúp tôi tự đánh giá được chất lượng công việc tốt hơn, cũng như tự tôi nhìn thấy những thành công nhỏ, từ đó tạo động lực để tiếp tục gắn bó.
PV: Cảm ơn những chia sẻ của Phương Thảo và chúc bạn sẽ thành công hơn nữa!