(VOV5) - Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, thu hút được 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa, cơ bản phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Theo thống kê mới công bố của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO),Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước tăng trưởng du lịch mạnh nhất thế giới nhất đầu năm 2017, và đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển du lịch. Đây là kết quả của các giải pháp của Chính phủ, bộ ngành, địa phương… nhằm thúc đẩy du lịch phát triển trên lộ trình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Khách du lịch quốc tế yêu mến Việt Nam
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Năm 2017, du lịch Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng, riêng tháng 11/2017, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,2 triệu lượt người, tăng 14,4% so với tháng 10. Đây cũng là tháng thứ tám trong năm nay, khách quốc tế đạt hơn một triệu lượt. Với đà tăng trưởng này, nhiều khả năng năm nay, ngành du lịch Việt Nam đón trên 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 28% so với năm ngoái. Sự tăng trưởng của dòng khách này đã góp phần đưa doanh thu du lịch năm nay lên gần 515 nghìn tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 23 tỷ USD, đóng góp 7% vào GDP của đất nước.
Dấu ấn nổi bật của ngành Du lịch là đầu năm 2017, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 08 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Du lịch (sửa đổi). Chính phủ cũng thông qua hai chính sách về thị thực đối với người nước ngoài, thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và tiếp tục gia hạn miễn thị thực cho khách du lịch từ 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha), tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của du khách, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng cao lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Ngoài ra, công tác quảng bá hình ảnh Việt Nam tại Tuần lễ cấp cao APEC và những giải pháp đồng bộ mà ngành du lịch đã thực hiện thời gian qua đã góp phần tạo nên thành công của du lịch Việt Nam trong năm 2017. Ông Trương Sỹ Vinh, Phó Viện Trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch, cho biết: "Trước Nghị quyết và sau Nghị quyết của Bộ Chính trị có sự khác biệt là cả xã hội phải tập trung đầu tư vào phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Luật du lịch có nhiều điểm mới, điều này sẽ làm du lịch mang tính chất quy củ hơn và phù hợp với thực tiễn hơn rất nhiều. Tất nhiên, con số khách du lịch là điểm nhấn đạt được xấp xỉ 13 triệu, tốc độ tăng trưởng ngành du lịch trong năm 2016 và năm 2017 lớn như vậy xâp xỉ đến 30% thì tôi nghĩ không ngành nào như du lịch Việt Nam đạt được con số như vậy, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam".
Thời gian qua, Tổng cục Du lịch thực hiện nhiều chiến dịch xúc tiến quảng bá du lịch tại các thị trường trọng điểm; đồng thời tham gia nhiều hội chợ du lịch quy mô quốc tế, tổ chức đón các đoàn quốc tế từ các thị trường tiềm năng đến khảo sát du lịch Việt Nam. Đặc biệt, Tổng cục Du lịch tổ chức nhiều chương trình quảng bá, giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường như: Australia, Nhật Bản, 3 nước trong khu vực ASEAN (Thái Lan, Malaixia, Indonexia); 4 nước Bắc Âu (Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển) và các nước ở Châu Âu: Ý, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha. Cùng với đó, đã tham gia nhiều Hội chợ Du lịch quốc tế lớn như: Travex (Singapore), ITB (Đức), MITT (Nga), JATA (Nhật Bản) và Top Resa (Pháp)… Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho rằng: "Năm 2017 đã khép lại là năm đầy cảm xúc, với dấu ấn và thành tích chưa từng có của ngành du lịch Việt Nam. Kết quả của năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị cho thấy rằng, những mục tiêu mà Bộ Chính trị đề ra trong Nghị quyết 08 đang dần dần trở thành hiện thực. Hoạt động xúc tiến quảng bá có nhiều đổi mới trong việc huy động các nguồn lực. Đặc biệt là cơ chế hợp tác công tư thông qua hỗ trợ Hội đồng tư vấn du lịch đang phát huy hiệu quả , tăng trưởng đột phá".
Sự tăng trưởng ấn tượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm qua có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp lữ hành trong vai trò kết nối. Nhiều doanh nghiệp lữ hành đã xây dựng được thương hiệu mạnh, có khả năng cạnh tranh cao và vươn ra thị trường thế giới. Tiêu biểu như Công ty Fiditour, ngoài việc đa dạng hóa sản phẩm, công ty còn liên kết với các hãng hàng không tăng cường mở đường bay thẳng kết nối các thị trường trọng điểm. Ông Trần Thế Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty du lịch Fiditour, chia sẻ: "Để đạt thành tích như ngày hôm nay thì Công ty Fiditour luôn đặt khách hàng là trọng tâm. Chúng tôi luôn đầu tư vào hệ thống công nghệ cao để đảm bảo giám sát chất lượng dịch vụ trên từng đường tour, có hệ thống chăm sóc khách hàng 1 cách tốt nhất. Chúng tôi chú trọng công tác đào tạo huấn luyện, hướng dẫn viên mang chiều sâu để đáp ứng cho khách hàng một cách tốt nhất. Đảm bảo mang đến cho khách hàng những trải nghiệm của chuyến đi thú vị và bổ ích".
Với đà tăng trưởng mạnh cùng những giải pháp phù hợp, ngành du lịch Việt Nam sẽ thực hiện thành công những mục tiêu đề ra trong thời gian tới. Đó là tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, thương hiệu mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, thu hút được 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa, cơ bản phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.