(VOV5) - Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp là nhiệm vụ dài hạn được Chính phủ Việt Nam quan tâm. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, cùng các hiệp định thương mại tự do đã và đang được ký kết, việc cải thiện môi trường kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, khẳng định được thương hiệu và cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp quốc tế.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Từ ngày 1/7, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực. Đây được coi là bước cải cách đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển. Cùng với đó sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, các bộ ngành, địa phương Việt Nam đã cắt bỏ hàng nghìn thủ tục hành chính gây bất lợi cho doanh nghiệp. Bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: Theo kế hoạch của Chính phủ, tới đây sẽ ban hành một Nghị quyết mới thay thế cho nghị quyết của 2015 và đặt mục tiêu là năm 2016 này phải phấn đấu bằng trung bình của các nước ASEAN 4 và một số chỉ tiêu khác có liên quan với mục tiêu dài hạn hơn. Nghị quyết 19 đã giao các nhiệm vụ rất cụ thể, chi tiết đối với từng bộ, ngành và địa phương có liên quan; bởi vậy chúng tôi thấy là để cho các bộ, ngành cùng vào cuộc đòi hỏi phải có sự tham gia của các lãnh đạo bộ, phải có người đứng đầu chỉ đạo trực tiếp và quyết liệt thì lúc đó các hoạt động thực thi nghị quyết mới thực sự có hiệu quả.
|
Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được Việt Nam triển khai đồng bộ từ cấp trung ương đến địa phương trong thời gian qua. Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương gấp rút triển khai đó là rà soát các văn bản quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp để xem xét loại bỏ hoặc sửa đổi, đồng thời đề xuất Chính phủ ban hành nghị định thay thế, đặc biệt trong lĩnh vực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Theo đó các nghị định mới phải nâng các tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh ở thông tư lên nghị định nhưng phải đảm bảo thông thoáng, công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp. Ông Trần Đình Toản, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và công nghệ OSB, cho rằng: Việc cải cách thủ tục hành chính sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, lành mạnh và an toàn hơn cho doanh nghiệp: Những hoạt động của Chính phủ trong thời gian gần đây, chúng tôi thấy rất mừng vì nó có những tác động tương đối rõ rệt, giúp cho doanh nghiệp về mặt tâm lý cũng như có những hoạt động cụ thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh như các thủ tục từ thuế, hải quan đến những thủ tục hành chính khác đang dần dần được cải thiện. Tôi nghĩ đó là tín hiệu tốt cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
|
Việc cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những chính sách rất quan trọng. Ảnh: TTXVN |
Với mong muốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Theo đó những khó khăn, rào cản của doanh nghiệp để phát triển như nguồn vốn lãi suất hợp lý, thủ tục hành chính cùng môi trường đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ sẽ được giải quyết, hỗ trợ thấu đáo. Từ khi nghị quyết được ban hành, cộng đồng doanh nghiệp đã hồ hởi đón nhận với nhiều kỳ vọng về sự tiếp sức từ Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng cho các doanh nghiệp. Ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn phát triển và thương mại Phúc Lâm, cho rằng: Tôi kỳ vọng rằng nếu nghị định 35 đi vào cuộc sống và có thể tạo được cơ chế linh hoạt giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa giống như doanh nghiệp của chúng tôi hiện nay và những doanh nghiệp bắt đầu khởi nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn tốt hơn, có những chính sách ưu đãi tốt hơn vì các doanh nghiệp nhỏ bước đi ban đầu thường rất khó khăn. Trong việc triển khai nghị quyết này trên thực tế cần có những hoạt động hỗ trợ về mặt truyền thông, các chương trình xúc tiến bán hàng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Tạo một môi trường kinh doanh thông thoáng, ổn định và minh bạch là những điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, đủ sức để cạnh tranh với doanh nghiệp khu vực và quốc tế. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi Việt Nam sẽ là một thị trường mở với tư cách là thành viên bình đẳng của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang ký kết.