(VOV5) - Người dân ghi nhận một số thay đổi tích cực trong hiệu quả huy động sự tham gia của người dân vào đời sống chính trị, xã hội ở cấp cơ sở.
Ngày 02/04 tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Công ty Phân tích Thời gian thực tổ chức Lễ công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2018 (PAPI).
Tổng quan về Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam. |
Trong báo cáo PAPI 2018, hơn 14.300 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên để trả lời bảng hỏi, con số cao nhất từ trước đến nay.
Kết quả khảo sát PAPI 2018 cho thấy những xu hướng tích cực khi lần đầu tiên người dân đánh giá đã có sự cải thiện trong tất cả 6 trục nội dung của PAPI gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công.
Cụ thể, người dân ghi nhận một số thay đổi tích cực trong hiệu quả huy động sự tham gia của người dân vào đời sống chính trị, xã hội ở cấp cơ sở; người dân hài lòng hơn với mức độ công khai, minh bạch của chính quyền trong việc tổ chức lập danh sách hộ nghèo và chia sẻ thông tin thu, chi ngân sách cấp xã/ phường; mức độ hài lòng của người dân về nội dung thành phần ‘Y tế công lập’ cho thấy ngành y tế có một số cải thiện trong năm 2018…
PAPI 2018 cũng lần đầu tiên giới thiệu kết quả phân tích ở 2 chỉ số mới dựa trên ý kiến phản hồi của người dân gồm: quản trị môi trường và quản trị điện tử. Bà Caitlin Wiesen, quyền đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Các chính quyền trung ương và địa phương đang phải đối mặt với việc đáp ứng những kỳ vọng ngày càng cao của người dân bởi vì người dân ngày càng được nhiều thông tin hơn và trình độ học vấn cao hơn.
Ở góc độ nhất định, đây cũng là điều tốt bởi nó phản ánh sự thành công của quá trình phát triển của Việt Nam. Chính vì vậy, các lãnh đạo và chính quyền địa phương nên tìm hiểu những kết quả và phát hiện ở tất cả các chỉ số của PAPI cho địa phương của mình bởi mỗi chỉ số sẽ giúp các địa phương lập ra thứ tự ưu tiên cho các nỗ lực của mình để đạt được hiệu quả quản trị tốt hơn cũng như đáp ứng kỳ vọng của người dân tốt hơn.”
Báo cáo PAPI 2018 đánh dấu chặng đường phát triển 10 năm của nghiên cứu PAPI kể từ khi khởi xướng năm 2009. Trong 10 năm qua, hơn 117.000 lượt người dân Việt Nam từ khắp các tỉnh/thành phố của Việt Nam đã chia sẻ về trải nghiệm và cảm nhận của họ qua nghiên cứu PAPI, khiến PAPI trở thành một nguồn dữ liệu khách quan, cập nhật về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương vì lợi ích của mọi người dân Việt Nam.