(VOV5) - Tham gia Diễn đàn Xuất khẩu 2024 và triển lãm lần này, nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là cơ hội rất tốt để họ đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp và trực tuyến xuyên biên giới.
Diễn đàn Xuất khẩu 2024 với chủ đề “Kết nối Chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” khai mạc sáng nay (6/6) tại TP.HCM, diễn ra đồng thời với Triển lãm Viet Nam International Sourcing 2024 từ ngày 6/6 đến 8/6, do Bộ Công thương và UBND TP.HCM tổ chức.
Nhà mua hàng Hàn Quốc đang tìm hiểu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tại triển lãm - Ảnh Lệ Hằng. |
Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến
5 tháng qua, xuất khẩu của cả nước đạt 156,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Riêng TP.HCM, 4 tháng qua, xuất nhập khẩu đạt hơn 33 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu sang các thị trường có Hiệp định thương mại (FTA) đều có sự phục hồi tích cực.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng để đáp ứng yêu cầu của thị trường, giúp lấy lại đà tăng trưởng thì doanh nghiệp phải đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất xanh và các ngành hàng đòi hỏi phải liên tục thay đổi mẫu mã, phù hợp với xu thế, thị hiếu thị trường.
Tham gia diễn đàn và triển lãm lần này, nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là cơ hội rất tốt để họ đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp và trực tuyến xuyên biên giới. Bởi tham gia sự kiện này có hơn 300 nhà mua hàng quốc tế, chuỗi phân phối, sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới như: Walmart, Amazon, Aeon, Lotte… và doanh nghiệp được tiếp cận trực tiếp.
Ông Trương Anh Tùng, phụ trách kinh doanh Tổng Công ty Rau quả Nông sản - Công ty cổ phần Vegetexco hướng dẫn khách xem hàng. |
Ông Trương Anh Tùng, phụ trách kinh doanh Tổng Công ty Rau quả Nông sản - Công ty cổ phần Vegetexco cho biết, doanh nghiệp đang xuất khẩu trực tiếp nhiều nông sản sang Châu Âu và đang muốn kết nối xuất khẩu hạt điều chế biến qua các nền tảng thương mại điện tử: "Qua diễn đàn chúng tôi cũng muốn phối hợp các đơn vị phân phối để đưa sản phẩm của công ty đưa ra thị trường quốc tế, hướng tới phối hợp với Amazon. Tại đây công ty chúng tôi muốn gặp gỡ, phối hợp như thế nào để hai bên hoạt động trơn tru, tìm kiếm được khách hàng."
Mời nhà mua hàng tham quan nhà máy
Sự kiện này không chỉ là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cập các nhà mua hàng quốc tế để xuất khẩu trực tiếp, trực tiếp tuyến mà các doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Việt Nam cũng có cơ hội trực tiếp giới thiệu, mời những nhà mua hàng lớn đến nhà máy tìm hiểu quy mô, tham quan chuỗi sản xuất, vùng nguyên liệu của doanh nghiệp để tạo thêm niềm tin cho khách hàng.
Ông Võ Trung Hiếu- Giám đốc Kinh doanh quốc tế của Vinamilk chia sẻ: "Ban tổ chức đã mời được những nhà mua hàng đến đây rồi thì việc của doanh nghiệp làm sao để họ đến cơ sở sản xuất, vùng nguyên liệu, để họ có thêm sự tin và qua chuyến đi của họ tìm kiếm được những gì đang mong muốn tìm kiếm. Vì tại những hội chợ quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thì cũng chỉ trao đổi và cung cấp thông tin ban đầu chứ rất khó mời họ đến xem nơi sản xuất của mình. Hội chợ này có một điểm khác biệt lớn như vậy, nó tạo niềm tin người tìm kiếm mới họ rất tự tin."
Hiện nay, xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới đang là xu hướng hiệu quả và nhiều ưu thế mà các doanh nghiệp đang hướng tới. Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết: Bộ đang tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp đẩy mạnh đưa sản phẩm thương hiệu Việt xuất khẩu qua kênh này: "Chúng tôi có rất nhiều chương trình trực tiếp hỗ trợ cho Sở công thương các địa phương và doanh nghiệp. Chúng tôi vừa tổ chức một số hội thảo liên kết vùng và có bàn bạc, nói rất kỹ về thương mại điện tử. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hướng dẫn phải làm gì để tham gia và cách thức bán hàng trên sàn thương mại điện tử, chúng tôi có các lớp tập huấn. Đây là xu hướng, kênh đưa hàng Việt đi ra các nước nhanh nhất mà chúng ta cần tận dụng cơ hội này.