(VOV5) - Đề án cần bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Sáng 12/08, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020.
Sau 6 năm thực hiện, Đề án đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, hỗ trợ hệ thống phân phối, bán lẻ, phát triển mạnh mẽ và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các đơn hàng xuất khẩu bị hủy, hoãn, thị trường nội địa, với quy mô gần 100 triệu dân sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và thách thức.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: Báo Tài nguyên môi trường. |
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết: "Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 7 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng riêng tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng vẫn chiếm hơn 79%, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, bảo đảm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và bảo đảm cung ứng nguyên, nhiên vật liệu, máy móc, thiết bị, hàng hóa để duy trì sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu".
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng trong giai đoạn mới, đề án cần bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, mở rộng kênh phân phối hàng Việt; cùng với đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp, đặc biệt là thương mại điện tử.