(VOV5) - Việc 12 nước thành viên đạt thoả thuận kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã mở ra những cơ hội trong phát triển kinh tế. Khi hội nhập TPP, ngành dệt may Việt nam được đánh giá là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, bên cạnh nhưng cơ hội luôn có cả thách thức. Điều mà các doanh nghiệp dệt may Việt nam quan tâm là nguồn nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Hiện nay cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp dệt may, nhưng để hội nhập TPP, việc trực tiếp thiết kế mẫu, sản xuất luôn sản phẩm, bán thẳng cho đối tác nước ngoài thì dường vẫn ít doanh nghiệp có thể làm được điều này. Bởi lâu nay nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn chủ yếu làm gia công và phụ thuộc từ nguồn nguyên liệu đến thiết kế mẫu mã sản phẩm. Còn khi đã vào TPP, muốn thành công, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh làm FOB, tức là chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất và bán thành phẩm, hạn chế gia công. Bởi vậy vấn đề được doanh nghiệp dệt may ráo riết chuẩn bị tham gia TPP là hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và nội địa. Ông Nguyễn Hữu Tòan, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần May Sài Gòn 2, cho biết: “Khó nhất là nguồn nguyên liệu. Nguyên liệu làm thời trang ở Việt Nam hầu như phải đi nhập hoặc đi mua trôi nổi ở nhiều đơn vị nhập về kinh doanh Thực sự nguồn vải thời trang trong nước sản xuất thời gian qua chưa đáp ứng đủ nhu cầu”.
|
Dệt may hứa hẹn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Ảnh: QH. |
Khi vào TPP, các sản phẩm dệt may của Việt Nam phải có tỷ lệ nhất định từ nguyên liệu sợi, nhuộm của Việt Nam hoặc các từ các nước tham gia hiệp định để được hưởng thuế suất 0%. Không chỉ giải quyết về nguồn nguyên liệu mà nhành dệt may con phải giải quyết các khâu liên quan đến dệt, nhuộm vải sợi, do vậy cũng phải chuẩn bị về vốn, quỹ đất phục vụ cho việc xây dựng đầu tư nhà máy đảm bảo về chất lượng sản phẩm và môi trường theo cam kết của Hiệp định. Ông Lý Hoàng Nguyên, Giám đốc Công ty Trách Nhiệm hữu hạn Nguyệt Nhân, cho biết: “Dệt ra vải thì phải nhuộm, nhưng đầu tư một nhà máy nhuộm rất là lớn. Theo tôi biết là đầu tư một nhà máy nhuộm cũng phải mất 10ha đất. Đối với một doanh nghiệp vừa và nhỏ thì vượt quá tầm. Vì vậy tôi đề nghị Nhà nước và các địa phương nên hỗ trợ các doanh nghiệp”.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: vấn đề nguyên phụ liệu đã được ngành dệt may trù liệu từ trước. Vì vậy, Nhà nước đã và đang có chương trình hỗ trợ nguyên phụ liệu cho ngành dệt may. Các doanh nghiệp trong nước hiện đã kết nối với nhau để tận dụng những điều kiện có thể để khai thác TPP. Trước sức hấp dẫn của TPP, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã khảo sát để đầu tư vùng nguyên liệu và công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may tại Việt Nam. Sự kết hợp này sẽ cải thiện được tình trạng thiếu nguyên liệu trong ngành dệt may thời gian tới. Ông Phạm Xuân Hồng khẳng định: “Chúng ta đã có bước chuẩn bị cách đây một vài năm nhưng mà tốc độ còn chậm. Sản xuất nguyên phụ liệu trong nước cũng đã mở rộng nhưng mà tỷ trọng để đáp ứng còn thấp chỉ 20-25%. Hiện nay Nhà nước cũng đã khuyến khích đầu tư nước vào nguyên phụ liệu. Sự kết nối của hai nguồn này hy vọng sản lượng của nguyên phụ liệu sẽ tăng lên”.
|
Ngành dệt may Việt Nam lâu nay chủ yếu là làm gia công và bị phụ thuộc từ nguồn nguyên liệu đến thiết kế từ đối tác (Ảnh minh họa: KT) |
Theo các chuyên gia kinh tế, dệt may Việt nam đang là ngành có nhiều lợi thế so với một số nước Trung Á và Đông Nam Á về tay nghề và kinh nghiệm. Chính vì vậy, khi hội nhập TPP, các doanh nghiệp đang xúc tiến tìm hiểu kỹ về TPP, hiểu rõ những vấn đề gì mà TPP đặt ra cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần có sự đầu tư chuẩn bị nguồn nhân lực, thiết bị công nghệ mới và sở hữu trí tuệ, trang bị những kiến thức liên quan đến TPP phục vụ cho hội nhập.
Mới đây Việt nam cùng 11 nước thành viên khác đã đồng loạt công bố toàn văn Hiệp định TPP. Nhà nước Việt nam và các ngành chức năng và doanh nghiệp đang cập nhật, phổ biến và hướng dẫn cụ thể các nội dung quy định về thuế, hải quan, tiêu chuẩn của TPP để giúp các doanh nghiệp dệt may tận dụng được tốt cơ hội xuất khẩu, tận dụng hưởng những ưu đãi thuế quan. Đồng thời bên cạnh việc triển khai các dự án chuẩn bị, Nhà nước cũng ban hành các chính sách kịp thời để thúc đẩy phát triển nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm… giúp doanh nghiệp ngành dệt may hội nhập thành công.