Trong những năm qua, dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đội ngũ doanh nghiệp cũng nằm trong nhóm bị ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã lội ngược dòng, phục hồi ngoạn mục với chiến lược kinh doanh linh hoạt.
Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19”. Ảnh: VOV. |
Tác động của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam
Doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Các hoạt động sản xuất, cung ứng và lưu chuyển thương mại, hàng không, du lịch, lao động và việc làm bị đình trệ, gián đoạn do tác động của dịch bệnh. Tổng cục Thống kê đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp và kết quả cho thấy có tới 85,7% số doanh nghiệp được khảo sát chịu tác động bởi dịch Covid-19. Các lĩnh vực, như: dệt may, truyền thông, bất động sản, sản xuất thiết bị điện, xe có động cơ, giáo dục, lao động, bán lẻ, điện tử, du lịch,... bị ảnh hưởng nhiều nhất. Từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều doanh nghiệp FDI phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu ra tiêu thụ sản phẩm và đặc biệt là vấn đề nguồn nhân lực.
Rủi ro tài chính cũng dẫn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến khả năng sinh lời và khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng một trong những vấn đề khiến các doanh nghiệp đau đầu là lãi suất cho vay tăng. Bởi vốn hoạt động của nhiều doanh nghiệp là từ ngân hàng: “Nếu chỉ riêng về lãi suất cho các doanh nghiệp vay là 14 đến 16%, doanh nghiệp đó phải có biên độ lợi nhuận trước thuế trước khi trả nợ cho ngân hàng khoảng 20% biên độ lợi nhuận ròng. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp đóng cửa vì họ càng làm, họ càng phải vay, càng phải vay, chi phí lãi càng cao. Có nghĩa là càng làm, càng lỗ và dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa vì chịu không nổi”.
Tìm cơ hội trong khủng hoảng
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid -19 đã ảnh hưởng khá lớn đến các ngành nghề, như: ô tô; giày dép và quần áo; đồ ăn và đồ uống; chế tạo; công nghệ thông tin; dược phẩm. Tìm cơ hội trong khủng hoảng là một bài toán mà các doanh nghiệp ráo riết đi tìm nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp đã triển khai đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử; chuyển đổi sản phẩm, dịch vụ chủ lực; tìm kiếm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) đã lội ngược dòng, từng bước định danh ô tô sản xuất tại Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu của thế giới qua việc xuất khẩu ô tô và linh kiện phụ tùng sang nhiều nước, như: Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines. Myanmar...
Dây chuyền robot sơn linh kiện nhựa của THACO. Nguồn ảnh: VOV |
Năm 2022, THACO – Trường Hải đóng góp hơn 2/3 tổng thu ngân sách nhà nước tỉnh Quảng Nam, giúp tỉnh này đạt 135,6% dự toán năm với 32.144 tỷ đồng. Thành công đó là nhờ Thaco làm tốt việc nghiên cứu đặc điểm các thị trường tiềm năng, phát triển sản phẩm theo yêu cầu riêng biệt của đối tác, giảm giá thành, đặc biệt là tiến hành tự động hóa các dây chuyền sản xuất ở các nhà máy.
Để khơi thông chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã đầu tư, tập trung khai thác các lợi thế từ chuyển đổi số. Chuyển đổi số thành công tạo ra các đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc kiêm Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Giải pháp công nghệ thông minh ITS (Công ty ITS), cho biết công ty đã khai thác triệt để lợi thế từ chuyển đổi số để gia tăng sản xuất dòng máy sấy đa năng ứng dụng năng lượng mặt trời giúp bà con nông dân duy trì nguồn thực phẩm có chất lượng cung ứng cho xã hội: “Chúng tôi tăng tốc sản xuất các dòng máy sấy có thể sấy được nhiều sản phẩm khác nhau với quy mô hộ gia đình để cung ứng cho các hộ kinh doanh cá thể, cho các hợp tác xã nhỏ lẻ, đặc biệt là cho các doanh nghiệp khởi nghiệp để các đơn vị này chế biến thực phẩm ngay tại nguồn, cung cấp cho xã hội. Như vậy, chúng ta vừa tiết kiệm nhân công, giảm chi phí điện năng mà có giá thành tốt nhất, phù hợp nhất cho người tiêu dùng”.
Buồng sấy bong bóng cá tra trục đứng ứng dụng năng lượng mặt trời. Nguồn ảnh: Công ty ITS. |
Từ buổi ban đầu ứng dụng công nghệ sấy động sử dụng năng lượng mặt trời để sấy khô cá sặc rằn, cá dứa, sau đó, bà con nông dân có thể sấy nhiều sản phẩm đa dạng hơn từ thuỷ sản đến nông sản, thực phẩm, dược liệu, phụ phẩm nông nghiệp, như: cá, tôm, mực, ruốc biển, yến sào, bánh tráng, bún gạo, hủ tiếu, hạt tiêu, bong bóng cá tra, chuối, cam, xoài sấy dẻo, khổ qua rừng, đinh lăng, nấm linh chi…. Từ công dụng của máy sấy đa năng, Công ty ITS đã biến nguy cơ thành cơ hội, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản nước ta trên thị trường thế giới, góp phần xứng đáng vào việc nâng tầm thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
Doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh kết nối để bứt phá
Covid đến. Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Khách đoàn, khách lẻ thưa vắng. Tình trạng hủy tour, trả tiền đặt cọc diễn ra ồ ạt. Doanh thu của các công ty du lịch sụt giảm nghiêm trọng. Năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 85 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch là 755 nghìn tỷ đồng. Đóng góp trực tiếp của du lịch là 9,2% GDP của cả nước.
Hội chợ du lịch VITM Hà Nội 2022 là một trong những sự kiện quan trọng để khởi động lại các hoạt động giao thương, kết nối, hợp tác phục hồi và phát triển du lịch cả nước. Các đại biểu thực hiện nghi lễ khai mạc hội chợ. Ảnh: VOV. |
Đến năm 2022, sau khi được mở cửa trở lại, du lịch Việt Nam phục hồi với con số đón và phục vụ 101,3 triệu lượt khách du lịch nội địa, vượt 68,8% so với kế hoạch; 3,66 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp du lịch đã “vượt bão” hậu Covid-19 để hồi sinh bằng cách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, xây dựng hệ thống thông tin về khách hàng, về sản phẩm và dịch vụ. Bà Nguyễn Thị Hoa Lan, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hương Lan, cho biết doanh nghiệp đã chủ động kết nối hợp tác với các doanh nghiệp phía Trung Quốc xây dựng các sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường: “Doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các tour du lịch, vừa tổ chức du lịch vừa kết nối kinh doanh để giảm thiểu chi phí cũng như thời gian với các doanh nghiệp hai bên”.
Dù đại dịch phức tạp nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, GDP vẫn cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam tiến triển theo xu hướng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Đây là một thành công lớn, trong đó có sự đóng góp của lực lượng doanh nghiệp với những sáng kiến, đổi mới, đột phá nhằm chủ động thích ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh làm tăng giá trị và thúc đẩy tăng trưởng.