(VOV5) - Khi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương ( TPP) có hiệu lực, các sản phẩm xuất khẩu Việt đang có lợi thế như dệt may, giày dép, đồ gỗ, thuỷ sản..dự kiến sẽ tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp ở những lĩnh vực khác, thì đây lại là thách thức trong hội nhập.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Công ty Hoàng Anh là một trong số ít doanh nghiệp trong nước tự nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu, hương liệu và phụ gia thực phẩm cho ngành công nghiệp chế biến. Sản phẩm của công ty phục vụ cho nhiều thương hiệu dẫn đầu thuộc các lĩnh vực như: sữa tiệt trùng, nước giải khát, cà phê, bánh, kẹo, đồ hộp, gia vị, dược phẩm... Nhưng hiện nay, các sản phẩm sản xuất nội địa như vậy lại chưa được quan tâm đúng mức. Ông Nguyễn Ngọc Hoàng Nam, Giám đốc Marketing của công ty cho biết:"Hầu hết các sản phẩm thuộc công nghiệp hỗ trợ hiện nay chúng ta đang đều nhập khẩu nhiều. Trong khi các sản phẩm được sản xuất nội địa chưa được quan tâm đúng mức, cả ở phía nhà sản xuất và sự đầu tư đúng mức về mặt quản lý nhà nước".
Khi TPP có hiệu lực thì gần như 100% thuế nhập khẩu vào thị trường các nước thành viên, trong đó có Hoa Kỳ một thị trường lớn trong TPP sẽ được đưa về 0%. Đây sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài các doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều khi tham gia TPP như: dệt may, giày dép, thuỷ sản, nông sản, đồ gỗ xuất khẩu...thì các các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cũng có cơ hội xâm nhập các thị trường rộng lớn hơn. Tuy nhiên, thị trường nhiều nước tham gia TPP cũng là những thị trường khó tính, đòi hỏi, yêu cầu chất lượng, tiến độ và công nghệ cao. Đây cũng là một trong những trở ngại mà các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cần phải vươn lên đáp ứng đủ điều kiện tham gia "sân chơi" lớn của nền kinh tế hội nhập. Ông Nguyễn Dương Hiệu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp và Thương mại Lidovit cho biết: "Vấn đề quan trọng là tiếp tục đầu tư mở rộng công nghệ, mở rộng thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, như vậy mới kết nối được sản phẩm của doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới".
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Năng lực của doanh nghiệp Việt hiện nay vẫn khó đáp ứng trước những đơn hàng lớn, thời gian giao hàng nhanh. Doanh nghiệp nội muốn cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài phải cần nhiều vốn để đáp ứng về độ an toàn và tính bền vững. Nhà nước cần có thêm các chính sách về vốn, lãi suất, thuế, con người, hay đất đai... một cách đồng bộ , nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia đầu tư và cạnh tranh lành mạnh.
Bên cạnh đó các doanh nghiệp Việt nam cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp khi xuất khẩu vào thị trường TPP, thể hiện ở việc giữ uy tín chất lượng sản phẩm, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của các sản phẩm nông sản, thuỷ sản và khi tham gia TPP các doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao nhận thức về thông tin thị trường, vận dụng tốt hơn các quy định có liên quan trong TPP. Trong khi, doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ đa số quy mô vừa và nhỏ, vốn không lớn, muốn tiếp cận và vay vốn từ ngân hàng không dễ. Vì vậy, Nhà nước cần điều chỉnh đồng thời nhiều chính sách, trong đó có việc ưu đãi doanh nghiệp về tiền thuê đất, đặc biệt là lãi suất ngân hàng…
Việt Nam hiện có 400.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi hiệp định thương mại như TPP có hiệu lực thì những doanh nghiệp này buộc phải chấp nhận sự cạnh tranh mạnh mẽ từ doanh nghiệp lớn bên ngoài. Để đáp ứng yêu cầu hội nhập, bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần tự thân thích ứng với các quy định của TPP, có như vậy doanh nghiệp Việt mới trụ vững và cạnh tranh được ngay trên sân nhà.