(VOV5) - Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, cải thiện môi trường kinh doanh để tạo sự đột phá trong thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), là ưu tiên hàng đầu nhằm tạo sức bật cho kinh tế Thủ đô trong thời gian tới. Đây cũng là thông điệp được lãnh đạo thành phố Hà Nội khẳng định tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Hà Nội vừa diễn ra tại Hà Nội.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội luôn nằm trong tốp đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư. Tính đến hết tháng 5 năm 2016, Hà Nội thu hút thêm 1,6 tỷ đôla Mỹ vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, tăng 3 lần so với cùng kỳ, gấp 1,5 lần so với năm trước. Số dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cũng tăng 3 lần so với cùng kỳ năm trước với số vốn tăng hơn 2,4 lần. Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đạt kết quả bước đầu đáng khích lệ. Hà Nội hiện đứng thứ 24 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố của cả nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, Hà Nội đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhà đầu tư, nhất là các thủ tục hành chính về thuế, bảo hiểm xã hội, đất đai, giải phóng mặt bằng. Nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp cho rằng: những cam kết mạnh mẽ về cải thiện môi trường đầu tư của Hà Nội tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này sẽ tạo bước đột phá để doanh nghiệp và Hà Nội cùng phát triển. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư PNG Holldings Việt Nam, kiến nghị: “Tôi mong muốn giảm đi một nửa thời gian làm thủ tục hành chính. Và khi giảm được thời gian làm các thủ tục hành chính, cũng có nghĩa sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí đầu tư và khơi thông được nguồn đầu tư mới”.
|
Sản xuất dây dẫn điện ôtô tại Công ty Sumi-Hanel có trụ sở tại khu công nghiệp Sài Đồng B (Hà Nội). (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đứng trong top đầu về thu hút đầu tư. Để thực hiện mục tiêu này, Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết: Hà Nội sẽ tiên phong cả nước về đầu tư và kinh doanh, theo hướng minh bạch, thông thoáng hiện đại, thân thiện và chuyên nghiệp. Xây dựng chính quyền thân thiện để phục vụ người dân và doanh nghiệp, chính quyền sẽ kiến tạo, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Lãnh đạo thủ đô Hà Nội cũng khẳng định sẽ tận dụng thời gian, tạo ra những chuyển biến rõ nét nhất sẵn sàng đón nhận, tận dụng các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Ông Nguyễn Đức Chung nêu rõ: "Hà Nội sẽ tiến hành cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ, toàn diện trong mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực liên quan đến cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp. Thành phố đã, đang và sẽ thực hiện cơ cấu lại toàn bộ các tổ chức của các sở, ban, ngành. Chúng tôi xây dựng các quy chế, quy trình trên tinh thần rút ngắn các thủ tục và thời gian cấp phép. Chấn chỉnh lại toàn bộ các tư thế, tác phong, đặc biệt là cách làm việc của cả bộ máy hành chính và nhằm tiến tới thực hiện tất cả các thủ tục hành chính một cửa liên thông".
Ngay từ tháng 6 này thành phố thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, ban hành cơ chế khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo luật doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 thành phố có thêm 200 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Để cụ thể hoá công tác cải cách hành chính, Hà Nội thực hiện cắt giảm thời gian doanh nghiệp đăng ký thành lập mới qua mạng chỉ mất 2 ngày, giảm 1 ngày so với quy định. Đối với quá trình giao dịch trên mạng, thực hiện liên thông về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cắt giảm 40% thủ tục hành chính về đầu tư, việc kê khai nộp thuế qua mạng đạt 100%, giảm thời gian thủ tục giải phóng mặt bằng.
|
Hạ tầng giao thông Hà Nội – Nền tảng thu hút đầu tư |
Với những cam kết về cải cách hành chính, thu hút mọi nguồn lực trong đầu tư phát triển, đến nay đã có 70 nhà đầu tư đăng ký vào 52 dự án kêu gọi đầu tư do thành phố đưa ra. Trong đó có nhiều dự án tập trung vào lĩnh vực: xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông, đầu tư hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; hệ thống cấp thoát nước, xây dựng các bệnh viện chất lượng cao, hệ thống cơ sở giáo dục đào tạo, xây dựng các công viên đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.
Trong lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính từ trước đến nay, tổng vốn FDI vào Hà Nội đã đạt trên 22,3 tỷ USD với trên 2.723 dự án của các nhà đầu tư đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Điều đáng chú ý là Hà Nội đã và đang tận dụng thế mạnh là trung tâm sản xuất và giao thương đầu mối của khu vực phía Bắc chuyển hướng, thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ có giá trị gia tăng lớn, hàm lượng chất xám cao. Chủ trương của Hà Nội là xây dựng mối quan hệ đối tác với các nhà đầu tư cùng nhau phát triển, đưa Hà Nội thực sự trở thành điểm đến đầu tư an toàn và thành công của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.