(VOV5) - Thực hiện đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số” của Chính phủ, 2 năm qua, nhiều chương trình dự án hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được triển khai hiệu quả. Trong đó, phân phối nguồn kinh phí tập trung cho phát triển kinh tế, xã hội, y tế, giải quyết các vấn đề xã hội, giáo dục và đào tạo... góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân vùng dân tộc và miền núi.
|
Ảnh:suckhoecongdong.vn |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ngoài nguồn vốn trong kế hoạch hàng năm, những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đều dành một phần nguồn vượt thu, tiết kiệm chi và cân đối ngân sách trung ương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho vùng dân tộc, miền núi. Chỉ tính riêng trong năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép bố trí 5.300 tỷ đồng để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó có nhiều chính sách thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc: hỗ trợ chính sách định canh định cư, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chính sách cho vay đối với đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn... Năm 2015, tại Hội nghị về xúc tiến đầu tư và viện trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi, đã có trên 180 tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp trong và ngoài nước cam kết sẽ đầu tư, hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2016-2020.
Tỉnh Bắc Giang là một trong những địa phương triển khai có hiệu quả sự các nguồn hỗ trợ này. Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm và đầu tư nhiều nguồn lực trong thực hiện chính sách dân tộc, nhất là chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào. Ông Chu Quý Minh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang, cho biết: "Từ nguồn hỗ trợ, tỉnh đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất cho phù hợp với từng vùng, từng xã và thôn bản để phát huy lợi thế. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, thương mại gắn với ngành nghề nông thôn. Tập trung vào các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh ở trong vùng dân tộc và miền núi."
Nằm trong chương trình thực hiện đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số” của Chính phủ, 5 năm qua, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Lộc Hương đã từng bước khâu nối, liên kết với người dân, chính quyền địa phương ở tỉnh Yên Bái và tỉnh Sơn La để phát triển các sản phẩm nông sản của người dân địa phương. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Lộc Hương, cho biết nhiều nông sản của Việt Nam có giá trị kinh tế cao, được bạn hàng quốc tế ưa chuộng, điển hình như các sản phẩm từ quả táo mèo của đồng bào miền núi. Tuy nhiên, để quả táo mèo trở thành mặt hàng xuất khẩu đưa lại lợi nhuận thì cần hỗ trợ mọi mặt cho người nông dân, nhất là khâu canh tác:“Giai đoạn 1 là hướng dẫn bà con trồng và hướng dẫn sau thu hoạch là không chặt phá. Đến giai đoạn 2 là giai đoạn chính thức đưa vào sản xuất. Chúng tôi hướng dẫn cho chị em dân tộc thực hiện khi áp dụng khoa học công nghệ, sản xuất những máy móc thiết bị đáp ứng việc sản xuất mặt hàng mà công ty yêu cầu, phải có những máy móc thiết bị sản xuất được sản phẩm đủ chất lượng để làm sao đáp ứng được nhu cầu trong nước và ngoài nước, có những sản phẩm để giới thiệu với bạn bè quốc tế”.
Cũng là mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số, hệ thống Mr Sạch đã phối hợp với nông dân các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh và nhiều vùng lân cận để xây dựng mô hình nuôi trồng thực phẩm khép kín, an toàn cung cấp cho người dân Hà Nội. Theo ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc điều hành kinh doanh hệ thống chuỗi Mr Sạch, khai thác lợi thế ở vùng đồng bào dân tộc là một trong những chiến lược doanh nghiệp quan tâm nhiều năm. Tuy nhiên, khó khăn về hệ thống giao thông, tập quán canh tác chính là những rào cản lớn để mở rộng vùng nguyên liệu, giúp người nông dân cải thiện thu nhập:“Vấn đề thời tiết, khí hậu, cũng như vấn đề giao thông đi lại để bảo quản rất khó khăn, vì từ miền núi chuyển xuống thành phố tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Nhất là chính vụ nhưng không kịp gặt hái, thu mua thì sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Chúng tôi phối hợp với cơ quan địa phương, Trung tâm chăn nuôi trồng trọt để tuyên truyền cho bà con về sản phẩm sạch. Khi nguồn ra cho bà con được đảm bảo thì bà con yên tâm sản xuất”.
Từ hiệu quả của thực tiễn cho thấy sự tham gia của doanh nghiệp để phát triển kinh tế vùng đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số là có hiệu quả. Ông Nguyễn Quang Đức, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, khẳng định nhiều chính sách hỗ trợ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đẩy mạnh thời gian qua, đặc biệt là có sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà sản xuất. Hiện, tỷ lệ nghèo của vùng dân tộc thiểu số trên cả nước giảm 4%, bộ mặt nông thôn miền núi được cải thiện.
Quan tâm phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi là một trong những chính sách ưu tiên của Việt Nam. Cùng với các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, nguồn hỗ trợ trên 30 triệu USD từ các nguồn hỗ trợ của nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc xóa đói, giảm nghèo ở vùng núi. Kết quả này phản ánh sự hợp tác của Nhà nước, chính quyền địa phương và chính người dân trong nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội.