(VOV5) - Để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực và kết nối với nền kinh tế toàn cầu, thời gian qua, dự án USAID LinkSME cung cấp hỗ trợ thông qua hai phương thức.
5 năm qua, Dự án Hỗ trợ kỹ thuật thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chủ trì, đã đồng hành cùng với Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Đặc biệt, LinkSME còn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực và kết nối với nền kinh tế toàn cầu.
Ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc Dự án USAID LinkSME trình bày tại một Hội thảo ở ĐBSCL tháng 5/2022 - Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN |
Nhân kỷ niệm 5 năm ngày dự án hoạt động tại Việt Nam, ngày 18/6, ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc Dự án USAID LinkSME, cho biết Dự án LinkSME được USAID tài trợ từ năm 2018 với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực và kết nối với nền kinh tế toàn cầu, thời gian qua, dự án USAID LinkSME cung cấp hỗ trợ thông qua hai phương thức. Thứ nhất, hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để kết nối họ với các doanh nghiệp đầu chuỗi, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp hoặc hỗ trợ họ tiếp cận các nguồn tài chính. Phương thức hỗ trợ thứ hai mang tính gián tiếp hơn. Đó là USAID LinkSME làm việc với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo nhiều kênh hiệu quả để cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Qua 5 năm triển khai, ông Daniel Fitzpatrick khẳng định dù đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng USAID LinkSME cố gắng tìm ra các phương án giải quyết để tiếp tục triển khai các hoạt động. Dự án cùng với các đối tác ứng dụng các công cụ kỹ thuật số để tương tác trực tuyến. Nhờ đó, Dự án có thể tổ chức các sự kiện, tập huấn ngay trong thời gian đỉnh điểm của đại dịch, tiếp cận với số lượng người tham gia lớn hơn. Ngoài ra, USAID LinkSME cũng bổ sung hai trụ cột mới vào hoạt động của dự án. Đó là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và tiếp cận tài chính.
Theo tính toán sơ bộ gần đây, dự án USAID LinkSME đã hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiếp cận được các khoản vay lên đến gần 20 triệu USD (tương đương hơn 466 tỷ đồng). Các khoản vay này hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trả nợ lãi suất cao, hiện đại hóa cơ sở vật chất và tối ưu hóa các hoạt động của doanh nghiệp.
Dự án USAID LinkSME phối hợp với các tổ chức trung gian tại Việt Nam như các hiệp hội doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ sản xuất và các đơn vị xúc tiến doanh nghiệp nhỏ và vừa và thông qua các mạng lưới của họ nhằm duy trì các hoạt động hỗ trợ một cách bền vững. Song song với nỗ lực này, dự án USAID LinkSME góp phần cải thiện môi trường kinh doanh thông qua hỗ trợ hoàn thiện khung chính sách và tăng cường tương tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Sau cùng, dự án USAID LinkSME đóng góp cho tầm nhìn về tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như mục tiêu của USAID Việt Nam nhằm mở rộng tăng trưởng bao trùm, theo định hướng thị trường và do khu vực tư nhân dẫn dắt.