(VOV5) - Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 5/2017, bao gồm 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể.
Sáng 7/7, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia chủ trì hội nghị.
Ảnh minh họa: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 5/2017, bao gồm 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể. Các nhiệm vụ cụ thể được phân kỳ thực hiện theo 2 giai đoạn 2017-2020, 2021-2030. Đặc biệt, kế hoạch hành động nhấn mạnh vai trò của tất cả các bên liên quan từ các bộ ban ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức quốc tế trong việc trực tiếp tham gia, đóng góp tiếng nói, hành động vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu nêu những khó khăn, thách thức khi triển khai chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững đối với các bộ, ngành địa phương. Trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi bắt đầu giảm mạnh. Bên cạnh việc huy động nguồn lực trong nước để thực hiện chương trình nghị sự 2030, Việt Nam cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về nâng cao năng lực, thể chế cũng như nguồn lực tài chính, đặc biệt những mục tiêu liên quan đến bất bình đẳng về thu nhập và điều kiện sống, tạo việc làm, y tế, giáo dục, phát triển kinh tế và môi trường bền vững.