(VOV5) - Hiện tại, bức tranh đời sống xã hội huyện Đồng Văn đã có những chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm hơn 6%, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước được đầu tư đồng bộ.
Huyện Đồng Văn, tỉnh miền núi phía Bắc Hà Giang nằm ở vùng lõi của cao nguyên đá Đồng Văn. Là một trong số 62 huyện nghèo của cả nước, thời gian qua, công tác xóa đói giảm nghèo ở đây đã đạt được nhiều thành quả, góp phần cải thiện đời sống người dân.
Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn, điểm sáng về công tác xóa đói giảm nghèo ở huyện Đồng Văn. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Huyện Đồng Văn có 19 xã, thị trấn với 17 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm đa số hơn 87%. Chính quyền địa phương xác định phát triển kinh tế gắn với công tác xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính. Tháng 3/2017, Ủy ban nhân dân huyện Đồng Văn ban hành Kế hoạch về việc “Xây dựng thôn thoát khỏi đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Đồng Văn giai đoạn 2016-2020”. Kế hoạch được thực hiện với 46 thôn, đến nay đã có 30 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Hàng năm, huyện Đồng Văn tiến hành rà soát, phân loại các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình. Trên cơ sở đó, huyện tập trung nguồn lực hỗ trợ nhân dân, giúp người dân tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tiểu thủ công nghiệp. Do địa hình chủ yếu là núi đá, thiếu nước, thiếu đất canh tác trồng trọt nên ngành nông nghiệp huyện Đồng Văn hướng dẫn bà con chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, như trồng cây lê, ngô lai, lúa lai để tăng năng xuất sản lượng.
Ông Dinh Chí Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Văn, trả lời phỏng vấn báo chí. |
Ông Dinh Chí Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Văn, cho biết: “Về lĩnh vực chăn nuôi, chúng tôi tập trung nuôi bò. Trồng cỏ ủ chua tạo nguồn thức ăn có dinh dưỡng cho bò, giữ gìn được gen quý bò vàng vùng cao. Chúng tôi cũng tập trung nuôi ong. Hiện nay Đồng Văn có khoảng 17.000 đàn ong, diện tích vùng nguyên liệu cây bạc hà cho ong phát triển khoảng 1.200 ha. Mỗi năm sản phẩm mật ong đạt được khoảng 8 tấn tương đương khoảng 40 tỷ đồng (khoảng 1,9 triệu USD), nguồn thu này rất lớn. Tỉnh hỗ trợ mỗi một đàn ong hộ nuôi được vay 1 triệu đồng không tính lãi xuất trong thời gian 24 tháng. Chính sách này giúp hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất”.
Huyện Đồng Văn còn có một loại cây trồng đặc trưng mang lại hiệu quả kinh tế cao là cây tam giác mạch. Cây tam giác mạch có thể chế biến thành bánh tam giác mạch, trà tam giác mạch, rượu từ hoa tam giác mạch… So với các huyện khác trong tỉnh Hà Giang, Đồng Văn là huyện trồng nhiều cây tam giác mạch nhất. Hàng năm lễ hội hoa tam giác mạch huyện Đồng Văn thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước, tạo thêm nguồn thu đáng kể cho địa phương.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương cũng như tự vươn lên của người dân, trong huyện Đồng Văn đã xuất hiện những mô hình làm sản xuất, kinh doanh giỏi, điển hình như mô hình Hợp tác xã dệt lanh thổ cẩm ở Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn. Huyện Đồng Văn hỗ trợ cho Hợp tác xã vay 300 triệu để phát triển vùng nguyên liệu trồng cây lanh, kiếm mặt bằng, mua trang thiết bị cho Hợp tác xã. Sản phẩm của Hợp tác xã đã có chỗ đứng ở thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Chị Vàng Thị Cầu, tổ trưởng tổ sản xuất Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A, cho biết: “Hợp tác xã đã tạo công ăn việc làm cho hơn 95 hội viên phụ nữ là những chị em có hoàn cảnh khó khăn trong toàn huyện Đồng Văn. Năm qua, Hội phụ nữ huyện và Hợp tác xã đã dạy được 2 lớp học nghề và chúng tôi thành lập được 3 tổ hợp tác liên kết với hợp tác xã. Thu nhập xã viên bình quân từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng. 8 tháng trở lại đây đầu ra cho sản phẩm ổn định, công việc không bao giờ thiếu. Hiện chúng tôi cần mở rộng thị trường, tạo thêm công ăn việc làm cho chị em”.
Chính quyền huyện Đồng Văn cũng chú trọng công tác xã hội, huy động mọi nguồn lực xã hội cho công tác xóa đói giảm nghèo. Ông Dinh Chí Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Văn, cho biết: “Chúng tôi kêu gọi nhiều tổ chức, cá nhân đóng góp giúp hộ nghèo. Hàng năm chúng tôi huy động được hơn 10 tỷ đồng, qua đó khuyến khích, động viên người dân lao động, sản xuất thoát nghèo. Huyện tập trung xây dựng các loại mô hình như dệt thổ cẩm, tiểu thủ công nghiệp, phụ nữ giúp nhau làm giàu… Từ hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A (gọi tắt là Hợp tác xã Lanh Trắng), chúng tôi mở rộng mô hình đó ra 2 điểm, 1 điểm trong xã Lũng Cú thuộc làng văn hóa dân tộc Lô lô, điểm nữa là làng văn hóa du lịch cộng đồng ở Lũng Cẩm, xã Sùng Là”.
Hiện tại, bức tranh đời sống xã hội huyện Đồng Văn đã có những chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm hơn 6%, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước được đầu tư đồng bộ. Huyện Đồng Văn đặt ra mục tiêu đến năm 2020, 100% các thôn thoát khỏi thôn đặc biệt khó khăn; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm toàn huyện là 6,32%.