(VOV5) - IFAD khẳng định sẽ cùng Việt Nam sớm hoàn thành các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030.
Quỹ phát triển Nông nghiệp Liên hợp quốc (gọi tắt là IFAD) là một tổ chức tài chính quốc tế và là cơ quan chuyên môn về nông nghiệp của Liên hợp quốc. Mục tiêu của IFAD là huy động các nguồn vốn bổ sung để phát triển nông nghiệp tại các nước đang phát triển. Trong 25 năm hoạt động tại Việt Nam, IFAD triển khai 15 dự án tại 11 tỉnh, giúp công cuộc xóa đói - giảm nghèo và phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Các nhân viên Quỹ Phát triển nông nghiệp LHQ tại Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Chủ tịch IFAD Donal Brown |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Với mục tiêu lấy người dân nghèo tại khu vực nông thôn và vùng dân tộc thiểu số làm trung tâm, IFAD bắt đầu các chương trình hoạt động đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1993. Đây cũng là năm bản lề của thời kỳ Đổi mới tại Việt Nam. Trong suốt 25 năm qua, IFAD hỗ trợ triển khai 15 dự án lớn về phát triển nông thôn, với tổng ngân sách hơn 550 triệu USD, trong đó vốn từ IFAD chiếm khoảng 80 %.
Mục tiêu mà những dự án của IFAD hướng tới là cải thiện thu nhập người dân, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển chuỗi sản phẩm giá trị của từng địa phương đồng thời tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho nền nông nghiệp Việt Nam. Đến nay, sự hỗ trợ của IFAD cùng các tổ chức đối tác khác đã và đang trực tiếp mang lại sự no ấm cho gần một triệu gia đình nông thôn tại hơn chục tỉnh thành ở Việt Nam.
Ông Donal Brown, Phó Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp Liên hợp quốc.-Ảnh Hà Linh |
Ông Donal Brown, Phó Chủ tịch của IFAD đánh giá, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, Việt Nam đã có bước nhảy vọt ấn tượng về chuyển đổi kinh tế: “25 qua, tôi nhìn thấy rất nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo.Tỷ lệ người nghèo giảm đáng kinh ngạc từ 60% nay chỉ còn 10%. IFAD rất tự hào khi đóng góp vào kết quả đó. Song tôi nghĩ rằng, chỉ riêng IFAD và chính phủ Việt Nam thì không thể tạo nên thành công nếu không có nỗ lực của các tổ chức đối tác, doanh nghiêp, đặc biệt của những nông dân điển hình. Họ là những tác nhân quan trọng, luôn đồng hành cùng IFAD và chúng tôi biết ơn vì điều đó.”
Trong số 11 tỉnh được hưởng lợi từ dự án do IFAD tài trợ, Hà Giang là một trường hợp điển hình về sự thay đổi ngoạn mục trong sản xuất nông nghiệp và đời sống người nông dân. Ông Đỗ Đình Huy, Phó Giám đốc Ủy ban điều phối Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa cho biết, dự án do IFAD hỗ trợ giai đoạn từ 2015-2020 đang tạo ra những lợi ích vô cùng thiết thực cho người dân nghèo nơi đây: “Phương pháp tiếp cận của IFAD đều là những cái mới. Thứ nhất giúp cho cán bộ, người dân nâng cao năng lực quản lý nguồn lực đầu tư trên địa bàn. Thứ 2 giúp cải thiện thu nhập cho người dân thông qua đầu tư hoạt động các chuỗi giá trị. Hà Giang chúng tôi có nhiều chuỗi giá trị sản phẩm, tiềm năng như chè Shan Tuyết, Bò vàng vùng cao, dược liệu quý, cam sành. Thông qua đầu tư, làm tăng mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp tư nhân với người nông dân. Nhờ đó mà giá trị các chuỗi sản phẩm được tăng thêm. Và thu nhập của người dân ở những xã tham gia ngày càng tốt lên.”
Một dự án của IFAD về phát triển nghề dệt thổ cẩm, giúp nhiều phụ nữ ở Hà Giang có thu nhập ổn định- Ảnh tư liệu IFAD |
Mục tiêu của IFAD cũng phù hợp với Chính phủ Việt Nam khi đặt trọng tâm ưu tiên vào phát huy thế mạnh nông nghiệp, coi thương mại hóa ngành nông nghiệp là động lực cho phát triển kinh tế xã hội. Điều đó được khẳng định khi những doanh nghiệp và người dân các địa phương luôn mong muốn hợp tác lâu bền với IFAD. Anh Phan Văn Thịnh, doanh nhân trẻ đến từ Bến Tre - được IFAD vinh danh “Những tấm gương nông dân tiêu biểu” chia sẻ:
“Được tiếp cận nguồn vốn hợp tác công tư PPP của IFAD, khuyến nghị của tôi là IFAD tiếp tục hãy đầu tư vào người nông dân thông qua hợp tác để họ mạnh dạn hơn nữa trong liên kết với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp bền vững. Tôi mong muốn IFAD hỗ trợ để trong thời gian tới, doanh nghiệp chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa sự liên kết với các hộ nông dân từ 500 đến 1000 hộ trong việc xử lý nguồn phế thải nông nghiệp để tạo ra sản phẩm sạch-hữu cơ.
IFAD vinh danh các gương mặt nông dân tiêu biểu- Ảnh Hà Linh |
Dựa trên những kết quả tốt đẹp đó, ông Thomas Raths, Giám đốc IFAD tại Việt Nam cho biết chiến lược và chương trình đầu tư của Quỹ phát triển Nông nghiệp Liên hợp quốc trong giai đoạn 2019-2025: “Trong thời gian tới, cùng với đối tác Việt Nam, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện 3 ưu tiên. Thứ nhất, tiếp tục hỗ trợ chính phủ Việt Nam thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân cho phát triển nông nghiệp nông thôn ở các vùng dân tộc thiểu số xa xôi hẻo lánh. Thứ 2, nâng cao việc tiếp cận những công cụ tài chính cho phụ nữ nông thôn trong phát triển kinh tế gia đình và thứ 3 là giúp Việt Nam hướng đến nền một nông nghiệp thông minh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Các dự án do IFAD tài trợ giúp làm tăng chuỗi giá trị sản phẩm ở các địa phương.
-Ảnh tư liệu IFAD. |
Đại diện IFAD một lần nữa nhấn mạnh, luôn lấy người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương khác làm trọng tâm trong mọi chương trình hợp tác với chính phủ Việt Nam. IFAD khẳng định sẽ cùng Việt Nam sớm hoàn thành các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030, trong đó đặc biệt chú trọng đến mục tiêu số 1. Đó là Không còn sự đói nghèo.