Khai mạc hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long 2013
(VOV5) - Các tổ chức quốc tế đặc biệt quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long như: sản xuất, chế biến lúa gạo, trái cây; xuất khẩu, chế biến thủy hải sản; tiềm năng du lịch xanh.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam bộ, tham dự và chỉ đạo hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long 2013 diễn ra sáng 25/11, tại tỉnh Vĩnh Long.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Vũ Văn Ninh khẳng định để Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư, Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ luôn quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính ở khu vực này. Bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế chính sách, Chính phủ tăng cường đối thoại, đầu tư mạnh cho hạ tầng, nhất là giao thông, sân bay, cảng biển, tạo điều kiện thuận lợi cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương, các địa phương quan tâm, lắng nghe nhiều hơn nữa các ý kiến, kiến nghị để cụ thể hóa thành cơ chế, chính sách, nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư yên tâm làm ăn lâu dài tại Việt Nam.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận việc khơi dậy tiềm năng sản xuất tạo ra giá trị xuất khẩu, nhất là trong lĩnh vực nông, thủy sản của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo các đại biểu, các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long cần tiếp tục hoàn thiện mô hình sản xuất mới trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ Khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tăng cường liên kết giữa các tỉnh trong vùng, liên kết vùng với thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực khác trong cả nước; đối thoại về cơ chế chính sách, những sáng kiến nhằm phát triển và khai thác tiềm năng, lợi thế vùng; kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư cho khu vực này để góp phần thúc đẩy sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long – MDEC Vĩnh Long 2013, chiều nay tại Vĩnh Long, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long phối hợp tổ chức Hội thảo Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hội thảo nhất trí để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong thời gian tới ngành Ngân hàng tiếp tục đồng hành cùng với Đồng bằng sông Cửu Long trong việc đẩy mạnh cho vay, đầu tư tín dụng để các địa phương có điều kiện phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, hoa quả để khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của các sản phẩm này trong vùng.
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn này, chiều nay, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức buổi gặp gỡ giữa các cơ quan đại diện, tổ chức quốc tế đóng tại Việt Nam với lãnh đạo 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để tìm hiểu, ký kết hợp tác đầu tư tại khu vực này.
Các tổ chức quốc tế đặc biệt quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long như: sản xuất, chế biến lúa gạo, trái cây; xuất khẩu, chế biến thủy hải sản; tiềm năng du lịch xanh…
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho biết hiện nay nguồn vốn ODA cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long chiếm 7% trong tổng số nguồn vốn ODA dành cho Việt Nam (tương đương 4 tỷ USD) và vốn FDI chiếm 2,2% (khoảng 11 tỷ USD). Việt Nam mong muốn các nước cùng hợp tác duy trì nguồn cung cấp ODA để phát triển cơ sở hạ tầng đồng bằng sông Cửu Long và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác về công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu, chế biến thức ăn chăn nuôi, đối phó với biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, xâm nhập mặn
Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long 2013 là hoạt động nổi bật đầu tiên trong chuỗi sự kiện tại Diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long – MDEC Vĩnh Long 2013. Dịp này, thành phố Cần Thơ và các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh và Vĩnh Long đăng ký trao chứng nhận đầu tư 26 dự án với số vốn trên 6 ngàn tỷ đồng và 93 triệu USD./.