(VOV5) - Khu công nghiệp (KCN) Bàu Bàng nằm ở vị trí đắc địa, ngay trên Quốc lộ 13, vùng cửa ngõ giao thương quan trọng của Đông Nam Bộ và miền Trung Tây Nguyên.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Với quy mô rộng lớn và vị trí đắc địa, Khu công nghiệp Bàu Bàng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương có nhiều thuận lợi trong giao thông và vận chuyển hàng hóa tới các trung tâm kinh tế lớn ở miền nam. Nơi đây hứa hẹn cung cấp môi trường kinh doanh hiện đại, hạ tầng tiện nghi cùng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp tới đầu tư.
Một góc trung tâm huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Báo Nhân Dân |
Khu công nghiệp (KCN) Bàu Bàng nằm ở vị trí đắc địa, ngay trên Quốc lộ 13, vùng cửa ngõ giao thương quan trọng của Đông Nam Bộ và miền Trung Tây Nguyên. KCN này thuộc khu vực tứ giác kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước, đã và đang tạo bước đệm vững chắc giúp nền kinh tế tỉnh Bình Dương trên đà khởi sắc. Với diện tích hơn 2.000 ha (trong đó có khoảng 1.000 ha đất phát triển công nghiệp và 1.000 ha đất dịch vụ, đô thị), KCN Bàu Bàng đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn tới đây xây dựng dự án nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu, tạo ra hàng ngàn việc làm cho người lao động.
Với phương châm không chờ nhà đầu tư tìm đến mà chủ động tìm đến các nhà đầu tư, tỉnh Bình Dương cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, thuận lợi. Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch thu hút đầu tư, đẩy mạnh giới thiệu, tìm kiếm, quảng bá, xúc tiến đầu tư...
Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng. Ảnh: BTV |
Đặc biệt chú trọng đầu tư hạ tầng tại khu công nghiệp, để tạo thuận lợi về mặt bằng cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả, Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết: "Huyện rất quan tâm, tập trung đầu tư hạ tầng kết cấu để tạo nên hệ thống hạ tầng hoàn thiện, kết nối được với các cảng cũng như các vùng kinh tế. Từ đó, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đến đầu tư trên địa bàn, trong quá trình lưu chuyển hàng hóa cũng như giao thương với bên ngoài."
Theo quy hoạch, tỉnh Bình Dương xác định phát triển khu công nghiệp là “đòn bẩy” quan trọng, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp, trong đó công nghiệp giữ vai trò chủ đạo, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển dịch vụ, đô thị và nông nghiệp. Với định hướng đó, thời gian qua, tỉnh đã tập trung thu hút đầu tư phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện Bàu Bàng.
Trong 9 tháng năm 2024, toàn huyện đã thu hút 36 dự án đầu tư đăng ký mới, trong đó, đầu tư nước ngoài có 34 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 59 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn huyện có gần 1.500 dự án đầu tư, trong đó, đầu tư nước ngoài có 283 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 4,6 tỷ USD. Trong đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tới và đầu tư vào khu công nghiệp Bàu Bàng với các dự án có vốn lớn, như: Tập đoàn Kalon Industries (Hàn Quốc) đầu tư dự án sản xuất sợi lốp ô-tô 220 triệu USD; Công ty TNHH KyungBang Việt Nam (Hàn Quốc) đầu tư hơn 179 triệu USD sản xuất các loại sợi và vải; Công ty Polytex Far Eastern Việt Nam (Ðài Loan, Trung Quốc) đầu tư chuỗi liên hợp hóa sợi-dệt-nhuộm với vốn hơn 274 triệu USD... Các dự án này đã và đang mở ra nhiều cơ hội góp phần gia tăng năng lực sản xuất của lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, từng bước hình thành chuỗi sản xuất đồng bộ với giá trị gia tăng cao, qua đó đóng góp tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Với định hướng phát triển công nghiệp bền vững gắn với đô thị thông minh, tỉnh Bình Dương đang hình thành các KCN xanh nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư “sạch”, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh.
Theo định hướng đó, ngay từ khi đi vào hoạt động, các doanh nghiệp trong KCN Bàu Bàng đã hoạch định kế hoạch bảo vệ môi trường bền vững trong quá trình sản xuất; xây dựng các biện pháp bảo vệ môi trường đối với từng nguồn thải phát sinh như bụi, khí thải, chất thải; xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố môi trường từ cấp độ thấp đến cấp độ cao... Các doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi xanh trong hoạt động sản xuất.
Mới đây nhất, Công ty TNHH chế biến gỗ Hải Thành đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho dự án khu nhà xưởng và văn phòng cho thuê tại KCN Bàu Bàng, trên diện tích 100.000 m2.
Ông Tô Văn Dân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến gỗ Hải Thành, cho biết: "Dự án này của chúng tôi đi theo hướng hiện đại và công nghệ xanh, sạch. Do đó, chúng tôi sẽ lựa chọn những đối tác tương xứng về xu thế mà KCN Bàu Bàng đang hướng tới."
Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và muốn thuê đất của các nhà đầu tư vào khu công nghiệp Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương đang triển khai nhiều giải pháp để huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển để nhanh chóng cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng. Trọng tâm trước mắt tập trung đầu tư vào lĩnh vực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng mạng lưới giao thông đấu nối, kết nối, đồng bộ; nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các tuyến đường giao thông huyết mạch. Bên cạnh đó, tỉnh đang thực hiện đề án chuyển đổi công năng, di dời nhà máy nằm ngoài khu công nghiệp ở phía Nam vào các khu công nghiệp được quy hoạch bài bản ở phía Bắc của tỉnh.
Bình Dương là một trong những địa phương có hạ tầng tốt để đón làn sóng đầu tư. Ngoài khu công nghiệp Bàu Bàng, khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, tỉnh còn có khu công nghiệp Tân Bình, khu công nghiệp Lai Hưng và Cây Trường cũng đang được đầu tư hạ tầng, sẵn sàng đón các doanh nghiệp đến mở nhà máy. Cùng với đó, dự án Khu công nghiệp Khoa học và Công nghệ đang mở ra cơ hội phát triển rất lớn cho địa phương.