Mekong Startup lần I năm 2022 – Nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu

(VOV5) - Ngày 20/12, tại Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Diễn đàn Mekong Startup lần I năm 2022.

Diễn đàn Mekong Startup lần I năm 2022 với chủ đề “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp”.

Mekong Startup lần I năm 2022 – Nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu - ảnh 1Quang cảnh Diễn đàn Mekong Startup lần thứ I năm 2022 với chủ đề: “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp". Ảnh: qdnd.vn

Mục tiêu của Diễn đàn nhằm thúc đẩy hành động của cả hai khu vực công, tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng “phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, đảm bảo hài hòa các lợi thế tự nhiên, đồng thời tạo nên những dấu ấn riêng”.

Phát biểu tại đây, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh: "Nông nghiệp xanh giảm phát thải của Đồng bằng Sông Cửu Long là yêu cầu vô cùng quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững, giảm thiểu biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, đòi hỏi sử dụng ít năng lượng hơn nâng cao hiệu quả sử dụng của các vùng tài nguyên và chuyển sang nguồn năng lượng carbon thấp, bảo vệ và thúc đẩy việc sử dụng bền vững các vùng tài nguyên thiên nhiên. Đây là định hướng quan trọng cũng là yêu cầu bắt buộc cho nông nghiệp".

Cũng trong ngày hôm qua, diễn ra phiên thảo luận “Chuyển đổi chuỗi trái cây Đồng bằng Sông Cửu Long hướng tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp”. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông Sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: Để phát triển bền vững mặt hàng trái cây cần phải có tính liên kết để ngành hàng trái cây bền vững, hiện đại và thể hiện được trách nhiệm và cam kết đối với cộng đồng quốc tế về phát thải thấp. Ông Nguyễn Quốc Toản cho biết: "Chúng ta đặt vai trò, vị thế cả ngành hàng trái cây vùng Đồng bằng Sông Cửu Long lên một mức phát triển mới, với một cách nhìn nhận mới. Chúng ta không thỏa mãn kết quả đã đạt được mặc dù kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng trái cây của chúng ta hiện nay rơi vào khoảng 35 tỷ USD. Tuy nhiên, làm sao bà con nông dân làm chủ trên không gian của mình, không gian sản xuất, không gian kinh doanh và đặc biệt hạn chế những rủi ro".

Tại Diễn đàn, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã ký cam kết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp, xây lộ trình hành động mạnh mẽ, quyết liệt để đồng hành cùng Chính phủ trong nỗ lực hiện thực hóa những cam kết giảm phát thải được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP 26 năm 2021.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác