(VOV5) - Năm 2013, mặc dù thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhưng với kim ngạch xuất khẩu dự kiến hơn 6,5 tỷ đô la Mỹ, ngành thủy sản Việt Nam vẫn chứng tỏ được sức mạnh của mình. Theo thông tin từ Hội nghị “Thủy sản Việt Nam với các giải pháp thực hiện đơn hàng năm 2014” vừa diễn ra tại Hà Nội, chính những nỗ lực cải thiện chất lượng an toàn vệ sinh đối với thuỷ sản xuất khẩu đã góp phần đem lại kết quả đáng mừng này.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhờ gia tăng lượng hàng tôm xuất khẩu và sự phục hồi nhẹ của mặt hàng cá tra và mực bạch tuộc, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong tháng 10-2013 đạt mức kỷ lục 776 triệu USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2012, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tháng năm nay đạt hơn 5,5 tỷ đô-la Mỹ. VASEP dự báo, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước trong năm 2013 có thể đạt hơn 6,5 tỷ USD, tăng 5% so năm 2012. Năm 2013, các sản phẩm xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn đều tăng mạnh về giá trị, điển hình là Mỹ - thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam. Đặc biệt, xuất khẩu cá tra sang Mỹ hiện đang ở mức cao so với 130 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu cá tra của Việt Nam. Thời gian qua, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm trong nước đã nỗ lực tìm giải pháp nhập khẩu nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu để tận dụng tình trạng thiếu hụt nguồn tôm trên thị trường thế giới. Việc xây dựng mối liên kết với người nuôi trồng thủy sản, các nhà sản xuất thức ăn để thiết lập những vùng nuôi an toàn, sạch bệnh đóng góp một phần đáng kể với thành công này của ngành thuỷ sản. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đào Xuân Học khẳng định: Tuy phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại, nhưng bằng sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ thành một chuỗi khép kín, quản lý ngành theo chuỗi giá trị từ ao nuôi đến bàn ăn, từ tay lưới đến bàn ăn, nên ngành thuỷ sản Việt Nam đã đáp ứng những yêu cầu cao nhất về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, thuỷ sản của các thị trường nhập khẩu dù là khó tính nhất, tạo sự tín nhiệm ngày càng cao cho các khách hàng và thị trường trên thế giới.
|
Cùng với việc đáp ứng yêu cầu về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm xuất khẩu cũng đã dạng hơn về chủng loại, cơ cấu; không chỉ sản phẩm đông lạnh mà còn có rất nhiều loại sản phẩm chế biến sẵn; mặt hàng chủ lực là tôm chỉ còn chiếm tỷ trọng chưa đến 40%, nhường chỗ cho các sản phẩm cá da trơn và nhiều sản phẩm đa dạng khác. Theo Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành thuỷ sản đã và đang đẩy mạnh quản lý an toàn vệ sinh từ khu vực sản xuất nguyên liệu, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong quản lý chất lượng nguyên liệu đầu vào. Sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và các danh nghiệp để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh chất lượng hàng thủy sản tiếp tục được coi là biện pháp hữu hiệu để nâng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản. Ông Lê Bá Anh, phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản cho biết: Là thành viên WTO, chúng ta phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để hội nhập với thế giới. Bên cạnh việc các doanh nghiệp cần duy trì điều kiện vệ sinh nhà xưởng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thì chúng tôi sẽ cùng các doanh nghiệp kiểm soát tốt hơn nữa khâu nguyên liệu trước chế biến..
Ngành thủy sản cũng đang đẩy mạnh việc sử dụng các tiến bộ công nghệ sinh học để phát triển nuôi trồng thủy sản trên qui mô lớn, giảm thuế nhập khẩu thủy sản để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giải quyết vấn đề thiếu nguyên liệu, đa dạng mặt hàng và tăng cường chế biến hàng có giá trị gia tăng cao. Đòi hỏi ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của thị trường thế giới cũng khuyến khích các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu đầu tư, sử dụng những thiết bị và công nghệ tiên tiến hơn. Ông Nguyễn Đăng Dương, phó giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ chế biến thuỷ sản xuất khẩu VinaFoods cho rằng:Khi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, cần lưu ý xác định đầu tư đầy đủ ngay trang thiết bị, đáp ứng ngay các tiêu chuẩn quốc tế như HACCV, ISO…Có như vậy mới hoạch định được chiến lược sản phẩm và chiến lược phát triển doanh nghiệp…
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP, với giá trị xuất khẩu lên đến hơn 6 tỷ đôla Mỹ/năm, những sự cố nhỏ từ các thị trường là điều không thể tránh khỏi. Nhưng trên thực tế, tỷ lệ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm với thủy sản xuất khẩu hiện nay chưa đến 1/10.000. Đối với các thị trường nhập khẩu thủy sản trọng điểm, ngành thuỷ sản Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát dư lượng hoá chất, kháng sinh cấm, tỉ lệ băng trong sản phẩm xuất khẩu. Hiện nay, Việt Nam đang là 1 trong 5 nước xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất thế giới. Hơn 1200 doanh nghiệp Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thuỷ sản vào các thị trường lớn như EU, Mỹ và Nhật Bản.../.