(VOV5) - Sáng 15/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức hội nghị với chủ đề “Ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp”.
Quang cảnh hội nghị. |
Sáng 15/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức hội nghị với chủ đề “Ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp”. Hội nghị nhằm tìm các giải pháp để phát triển kinh tế và thúc đẩy sự phát triển và cạnh tranh của doanh nghiệp để đưa nền kinh tế đất nước phát triển ổn định.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động như căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn như Mỹ- Trung Quốc, Mỹ- EU; sự sụt giảm và tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới và các nước lớn…song nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những điểm sáng tích cực như tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%- mức cao nhất trong vòng 11 năm qua.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng mở rộng, hội nhập sâu rộng, việc xây dựng các giải pháp phù hợp nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế cần thiết hơn bao giờ hết. Chuyên gia Cấn Văn Lực chỉ rõ: "Năng lực cạnh tranh của chúng ta nâng hạng nhưng vẫn xếp thứ 77/140 nền kinh tế-tức là chúng ta ở mức trung bình về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cùng với đó hiện quản trị doanh nghiệp rất thấp. Do đó yêu cầu đặt ra là phải có đối sách kịp thời, theo đó cần chọn lọc đầu tư nước ngoài, đối với các doanh nghiệp cần phải chủ động tăng năng lực của mình lên trong bối cảnh hiện nay".
Để ổn định kinh tế và nâng cao cạnh tranh doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay các đại biểu cho rằng cần chủ động da dạng hóa quan hệ với các thị trường mới, tập trung cải cách nổi tại và phát triển thị trường trong nước; ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách; thúc đẩy tăng năng suất lao động; chủ động tiếp cận áp dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.