(VOV5) - Trong bối cảnh đất nước tăng cường hội nhập, sản xuất nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế đất nước. Chính vì thế, vấn đề cấp thiết đặt ra là nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành cho các sản phẩm nông nghiệp. Đây cũng là mục tiêu mà nông dân, các nhà khoa học, doanh nghiệp và các cấp quản lý nhà nước ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long quyết tâm đeo đuổi và thực hiện.
|
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng năng xuất chất lượng (Ảnh: KT) |
Nghe âm thanh tại đây;
Bên cánh đồng lúa chín vàng chờ ngày thu hoạch, ông Nguyễn Minh Hiếu, xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tham gia mô hình cánh đồng lớn của tỉnh An Giang, cho biết từ những ngày đầu tham gia mô hình cánh đồng lớn, đến nay ông luôn an tâm khi đầu ra hạt lúa được ổn định thông qua hợp đồng ký kết với doanh nghiệp. Theo ông Hiếu, việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản làm cho nông dân giảm bớt gánh nặng, bởi không còn cảnh chạy lo bán lúa như trước. Trước yêu cầu xây dựng thương hiệu lúa gạo hàng hóa nông sản và các tiêu chuẩn chất lượng phục vụ xuất khẩu, ông và nhiều nông dân khác luôn trong tâm thế sẵn sàng để tham gia sản xuất lúa gạo đạt chất lượng cao. Ông Nguyễn Minh Hiếu chia sẻ: “Tôi kỳ vọng nhất trong năm 2016 và những năm tiếp theo thì giá trị hạt lúa mình làm ra sẽ được người nông dân đón nhận hân hoan. Cố gắng làm ra hạt lúa có chất lượng tốt để bạn bè quốc tế biết nhiều hơn về hạt gạo Việt uy tín, an toàn và chất lượng”.
Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Dương Văn Chín, nguyên Phó viện trưởng, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2015 vừa qua là một năm mà ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chưa thuận lợi về mặt giá cả và thị trường. Một số sản phẩm xuất khẩu, chất lượng vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của khách hàng. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩu, nhất là mặt hàng lúa gạo vẫn còn những khó khăn. Do vậy, Phó giáo sư, Tiến sỹ Dương Văn Chín cho rằng cần tiếp tục gắn sản xuất với tiêu thụ thông qua mô hình “Cánh đồng lớn”. Và cần thiết phải có được những doanh nghiệp tiên phong trong vấn đề này: “Về mặt khoa học kỹ thuật mà nói thì nhà khoa học Việt Nam cũng đã nghiên cứu được nhiều đề tài, kết quả cũng rất tốt. Nhưng vấn đề quan trọng nhất bây giờ trong sản xuất nông nghiệp làm sao có những doanh nghiệp xác định được sản phẩm nông nghiệp nào mà họ có thể kinh doanh có lời, xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước; đồng thời quy tụ được nhiều nông dân tham gia với họ. Tức là phải có doanh nghiệp sản xuất với khối lượng lớn; rồi nhiều nông dân tham gia với doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa chất lượng, khối lượng lớn. Như thế mới có thể làm chuyển biến nền nông nghiệp Việt Nam. Từ đó, trên mỗi đơn vị diện tích mới có thể gia tăng thu nhập cho nông dân”.
Không chỉ nông dân và nhà khoa học mà các doanh nghiệp tham gia trong chuỗi sản xuất lúa gạo cũng thể hiện rõ quyết tâm. Tập đoàn Lộc Trời (tiền thân là Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang) lần đầu tiên cùng với doanh nghiệp của 8 quốc gia khác, đưa chuẩn mực đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo bền vững (gọi tắt là SRP) áp dụng vào hoạt động sản xuất lúa gạo trong các mô hình cách đồng lớn tại An Giang. Việc tuân thủ bộ tiêu chuẩn đầu tiên của thế giới về lúa gạo bền vững với 46 bộ tiêu chí và 8 vấn đề trên các chu kỳ cây trồng sẽ mở ra cơ hội lớn cho hoạt động xây dựng thương hiệu ở quy mô toàn cầu cho lúa gạo Việt Nam. Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho biết: “Chúng ta cũng có đủ tiềm năng khi bà con nông dân có kinh nghiệm. Điều kiện sản xuất cũng rất tốt. Lực lượng khoa học kỹ thuật khá đầy đủ. Nhất là bây giờ chúng ta có giống lúa đạt được vào nhóm 3 nước được công nhận ngon nhất thế giới. Từ đó cho phép chúng ta tự tin hơn trong việc tham gia chương trình lớn của quốc tế, trong cuộc chơi mang tính toàn cầu. Chúng ta đã đảm bảo rằng sản xuất lúa gạo Việt Nam vốn đã có đủ điều kiện để hội nhập thì bây giờ chúng ta chứng minh với quốc tế rằng lúa gạo Việt Nam có vị thế trên toàn cầu về chất lượng, về độ ngon. Nhất là sự an toàn trong chuỗi bền vững mà chúng ta đã thực hiện”.
An Giang là địa phương có thế mạnh sản xuất nông nghiệp. Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân nêu rõ tỉnh sẽ tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp; đồng thời, hoàn thiện, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên nhiều sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nông nghiệp. Phát triển mạnh công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản có hàm lượng khoa học- công nghệ và tạo giá trị gia tăng cao. Phấn đấu đến năm 2020, phần lớn các sản phẩm nông nghiệp đều qua chế biến trước khi ra thị trường. Bà Võ Thị Ánh Xuân khẳng định: ‘Sắp tới Tỉnh ủy sẽ tiếp tục thực hiện một cách quyết liệt, mạnh mẽ hơn các chủ trương đã đề ra nhưng làm chưa nhiều. Đó là làm sao thay đổi cách làm trong sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng giá trị của nông sản; tăng thu nhập và vị thế của người nông dân; đồng thời đáp ứng được yêu cầu hội nhập rất khó khăn trong giai đoạn tới’.
Nông nghiệp có vai trò quan trọng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Việc đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp sẽ ngày càng được chú trọng, đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long.