(VOV5) - Cơ quan chức năng huyện Đầm Dơi đang tiếp tục hỗ trợ các chủ thể để nâng cao chất lượng các sản phẩm để đạt chuẩn OCOP cao hơn.
Từ những đặc sản đã nổi tiếng, chính quyền địa phương và các hộ sản xuất, kinh doanh ở Cà Mau chú trọng phát triển thành các sản phẩm OCOP. Sản phẩm vốn đã chất lượng nay được chứng nhận an toàn thực phẩm, có mẫu mã đẹp mắt nên giá trị càng được nâng nên.
Các đặc sản Cà Mau như tôm khô, muối ba khía tăng thêm giá trị nhờ thành sản phẩm OCOP. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Gia đình chị Mã Thị Thêm kinh doanh các sản phẩm mắm tôm, muối ba khía, chả cá phi đã nhiều năm ở xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi. Hiện chị có đầu mối tiêu thụ sản phẩm ở nhiều nơi, cơ sở làm ăn ổn định. Tuy vậy, vào tháng 9/2022, chị Thêm cùng 8 thành viên quyết định thành lập HTX Huy Thịnh để xây dựng các sản phẩm thế mạnh của địa phương mình đạt chuẩn OCOP.
Chị có quyết định như vậy là bởi, vừa qua được các cơ quan chức năng tạo điều kiện tham gia các chương trình xúc tiến ở nhiều tỉnh thành; nhiều người muốn mua sản phẩm, có cả siêu thị bày tỏ mua hàng với số lượng lớn, ổn định nhưng thật yên tâm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó, chị Mã Thị Thêm, Giám đốc HTX Huy Thịnh đã định hướng xây dựng 5 sản phẩm, gồm: Ba khía muối; Ba khía muối trộn sẵn; Mắm tôm; Chả cá phi chiên và Khô cá phi đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao: "Sau khi thành lập HTX, tôi đăng ký sản phẩm OCOP. Chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm theo hướng nâng chất lượng, hợp vệ sinh, mẫu mã đẹp và tham gia vào thi OCOP để khẳng định giá trị, từ đó nâng giá thành sản phẩm, phát triển ổn định hơn".
Chị Mã Thị Thêm cũng kỳ vọng sản phẩm ba khía muối của mình sẽ đạt giải cao. |
Tại huyện Đầm Dơi có nhiều hộ sản xuất, kinh doanh có suy nghĩ như chị Mã Thị Thêm và đã thành công. Qua đó giúp địa phương có được 37 sản phẩm OCOP 3 sao, 3 sản phẩm OCOP 4 sao. Một trong những giải pháp cơ quan chức năng địa phương thực hiện hiệu quả là hỗ trợ thành lập các HTX. Các lợi thế thấy rõ của HTX là có vùng nguyên liệu lớn hơn; nguồn nhân lực; bà con góp được số vốn tương đối để đầu tư cho những tiêu chí khó hoàn thiện như: nhà xưởng, trang thiết bị máy móc để sản xuất, đóng gói sản phẩm…
Như Hợp tác xã Trúc Thương ở xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi. Trước đó, chị Trần Xuân Oanh, Giám đốc HTX Trúc Thương chỉ sản xuất và kinh doanh mặt hàng tôm khô nhỏ lẻ trong gia đình. Nhưng nhận thấy những lợi thế vừa nêu, chị Oanh mạnh dạn đề xuất thành lập HTX vào năm 2021. Đến năm 2022, HTX Trúc Thương có 3 sản là tôm khô, tôm khô chà bông, mắm tôm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Từ đó, công việc sản xuất, kinh doanh cũng phát triển hơn hẳn, đặc biệt, sản phẩm tôm khô của HTX rất được ưa chuộng trên thị trường. Chị Trần Xuân Oanh cho biết, HTX luôn lấy chất lượng sản phẩm làm gốc từ đó xây dựng uy tín: "Con tôm đầu vào thì mình mua tôm đất sống, hoàn toàn từ thiên nhiên. Khi sơ chế thì phải làm thật sạch theo đúng quy trình, luộc phải canh thời gian cẩn thẩn, rồi mang phơi nắng trong 2 ngày mới mang vô máy đập. Khi làm phải mang bao tay, khẩu trang, đồ bảo hộ để đảm bảo vệ sinh, xong thì mang vô đóng gói kỹ lưỡng, cẩn thận".
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi, qua rà soát, năm 2023 trên địa bàn huyện có 5 chủ thể có sản phẩm OCOP đủ điều kiện nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao. Trong đó, chỉ có 1 chủ thể là hộ kinh doanh, còn lại là các HTX. Cơ quan chức năng huyện Đầm Dơi đang tiếp tục hỗ trợ các chủ thể để nâng cao chất lượng các sản phẩm để đạt chuẩn OCOP cao hơn. Ông Huỳnh Nhật Trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi cho biết: "Trong năm nay, chúng tôi tập trung quyết liệt xây dựng 10 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, nâng cấp 6 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao. Bên cạnh đó, quân tâm, hỗ trợ các trụ thể mở rộng quy mô sản xuất để giữ vững chất lượng sản phẩm đạt được để sản phẩm OCOP của huyện ngày càng tốt hơn".
Huyện Đầm Dơi, Cà Mau đã đạt được những kết quả tích cực từ xây dựng và phát triển được sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các chủ thể vẫn rất cần sự hỗ trợ, hướng dẫn, trợ lực trong các vấn đề như: hợp đồng liên kết; hướng dẫn chủ thể lập các dự án mở rộng quy mô sản xuất, vùng nguyên liệu; đầu tư nâng cấp trang thiết bị sản xuất, dây chuyền công nghệ; ứng dụng các giải pháp công nghệ số;… để sản phẩm OCOP ngày càng đứng vững và vươn xa hơn.