(VOV5) -Theo đánh giá của các địa phương, chính sách mới sẽ giúp cho việc quản lý và thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp đạt hiệu quả hơn.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2017 (Nghị định 68) về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Theo đánh giá của các địa phương, chính sách mới sẽ giúp cho việc quản lý và thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp đạt hiệu quả hơn.
Dây chuyền sản xuất linh kiện ôtô, xe máy tại Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Theo Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp đến năm 2020, Việt Nam sẽ có gần 1.500 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 49.000 ha. Tuy nhiên hiện nay việc triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp nhìn chung còn chậm; số cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút các dự án đầu tư chưa được như kỳ vọng.
Nghị định 68 có hiệu lực từ ngày 15/7/2017 được xem là sẽ khắc phục những tồn tại trước đây. Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng phòng Quản lý Cụm công nghiệp – Cục Công Thương địa phương, Bộ Công thương, Nghị định 68 quy định một số điểm mới như: có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho các cụm công nghiệp; xác định chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ở những địa bàn kinh tế- xã hội khó khăn; tiêu chí quy hoạch thành lập cụm công nghiệp chặt chẽ hơn.
Bên cạnh đó, Nghị định 68 cũng phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Sở Công Thương, Ủy ban Nhân dân cấp huyện về nguyên tắc đầu mối trong quản lý cụm công nghiệp.
Đồng thời, có cơ chế báo cáo thống kê xây dựng dữ liệu; cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp thông qua thực hiện quy tắc một cửa liên thông trong thực hiện thủ tục hành chính… Đây được đánh giá là là một làn gió mới, với những ưu đãi hơn, nhằm thúc đẩy việc đầu tư vào các cụm công nghiệp.
Một trong những điểm mới đáng chú ý tại Nghị định 68 là ưu đãi lớn cho các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật số cụm công nghiệp, sẽ được miễn tiền thuê đất 11 năm. Bên cạnh đó, được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp làng nghề cũng được miễn tiền thuê đất 11 năm và được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư. Còn dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp làng nghề được miễn tiền thuê đất 15 năm và được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư.
Bên cạnh Nghị định 68, Chính phủ cũng đã có Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020”, đây là một trong những nguồn lực để các địa phương có thể huy động nhằm phát triển cụm công nghiệp.
Bộ Công Thương cho biết cùng với việc sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 68, Cục Công Thương địa phương sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn, phổ biến bằng nhiều hình thức tới các địa phương. Từ đó các ngành công thương tại các địa phương sẽ tổ chức triển khai, từng bước nâng cao chất lượng các cụm công nghiệp, cũng như quy hoạch, khả năng đáp ứng các nguồn lực và thu hút đầu tư.