Nhiều dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế năm 2015
Hà Nam/Trung tâm tin -  
(VOV5) - Năm 2015, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,2% .
Kết thúc năm 2014, kinh tế Việt nam đạt mức tăng trưởng 5,98%, vượt mức chỉ tiêu của Quốc hội đề ra là 5,8%. Năm 2015, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,2% . Mặc dù kinh tế thế giới cũng như trong nước còn không ít khó khăn, nhưng đến nay cũng đã xuất hiện những yếu tố tích cực, tạo điều kiện để đạt mức tăng trưởng này.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Năm 2014 là một năm Việt nam hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội quan trọng. Lạm phát giảm đáng kể, lãi suất tín dụng giảm, xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng cao, có xuất siêu. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mốc 150 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước tới nay. Trên cơ sở thành quả đạt được và nhiều yếu tố thuận lợi trong năm mới, các chuyên gia kinh tế cho rằng xuất khẩu vẫn sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt nam. Tính đến nay, ngoài Hiệp định đa phương với Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã trở thành thành viên của 7 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các đối tác quan trọng. Trong năm 2015, Việt Nam sẽ sớm thực hiện các cam kết theo các Hiệp định mới ký kết gồm: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan. Đồng thời, tiếp tục đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tăng kim ngạch xuất khẩu, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP). Tiến sỹ Phạm Tất Thắng, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương cho rằng: “Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam mạnh mẽ hơn vì những Hiệp định thương mại tự do đã ký với một số đối tác và dự báo trong quý 1 năm nay, Hiệp định TPP có thể sẽ được ký kết. Tất cả những điều này sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tiến thêm một bước mới. Tuy nhiên, có tận dụng được cơ hội đó hay không còn phụ thuộc vào hoạch định chính sách tạo ra môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế.”
|
Giàn Công nghệ Trung tâm số 2, mỏ Bạch Hổ thuộc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro. Ảnh: THANH HẢI |
Một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2015 là kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định. Theo đó, lạm phát được dự báo vẫn ở mức thấp, khoảng 4%, đảm bảo cho các cân đối kinh tế ổn định và tạo điều kiện tốt để thực hiện mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế. Đây cũng là cơ hội tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Dự báo, tăng trưởng của vốn đầu tư nước ngoài FDI có thể tăng lượng vốn giải ngân lên đến trên 17 tỷ USD. Với việc giải ngân số vốn FDI này, tăng trưởng các năm sau của Việt Nam cũng sẽ được cải thiện. Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính, Học viện Tài chính, nhận định: “Khi lạm phát thấp, nền kinh tế vĩ mô ổn định, tạo ra môi trường đầu tư tốt cộng với độ mở của nền kinh tế càng ngày càng thực hiện tiến trình hội nhập rộng mở nữa thì khả năng thu hút đầu tư vốn trực tiếp nước ngoài năm 2015 càng tăng lên. Chúng tôi đánh giá vốn FDI trong 5 năm tới là nguồn chủ lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Lạm phát thấp đảm bảo cân đối vĩ mô ổn định, tạo điều kiện cho tái cấu trúc nền kinh tế, tạo niềm tin cho nhà đầu tư quay trở lại.”
Một điểm thuận lợi nữa là trong năm 2015, nhiều dự án Luật sửa đổi được đưa vào thực thi. Cụ thể là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, Luật Hải quan, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…sẽ tác động lớn đến môi trường kinh doanh nói chung, cũng như cơ hội để thu hút dòng vốn đầu tư nói riêng. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích: “Tăng trưởng năm nay nếu thuận lợi có thể đạt từ 5,5%- 6%. Còn mục tiêu 6,2% thì phải nỗ lực mới đạt được. Đó là Chính phủ phải đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, giảm chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp để có thể đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Cần có hành động cụ thể mới có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,2%, vì tình hình kinh tế thế giới còn nhiều biến động khó lường. Năm 2015 là năm hội nhập, các doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh mạnh mẽ mới giữ vững được thị trường.”
Cũng cần nhìn nhận thực tế thời gian qua, kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư, sử dụng lao động giá rẻ, năng suất thấp và khai thác tài nguyên. Để tạo bước đột phá,Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới, dựa vào năng suất lao động, tạo giá trị gia tăng sản phẩm hàng hóa tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu. Đây là hướng đi tích cực, tạo đà cho nền kinh tế phát triển bền vững hơn trong tương lai./.
Hà Nam/Trung tâm tin