(VOV5) - "Kinh tế tư nhân có triển vọng phát triển hơn trong năm 2019 và những năm tiếp theo với khả năng đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế đất nước".
Trong các ngày 02 và 03/05, Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của hàng nghìn đại biểu là đại diện giới doanh nhân-doanh nghiệp, cơ quan quản lý và các chuyên gia kinh tế. Đây là diễn đàn có quy mô quốc gia - thảo luận các vấn đề then chốt, chiến lược về kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đồng thời nhằm duy trì hoạt động đối thoại chính sách công - tư giữa Chính phủ và khu vực kinh tế tư nhân. Các chuyên gia nhận định diễn đàn tiếp tục xác lập và khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân - động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Ảnh: Báo Kinh tế đô thị. |
Những đóng góp này cũng được thống kê chi tiết trong thành tựu chung kinh tế - xã hội của đất nước 2018 – khi tất cả các chỉ tiêu đều vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, kinh tế tư nhân được khẳng định “ngày càng trở thành động lực quan trọng”. Tiến sỹ Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “kinh tế tư nhân có triển vọng phát triển hơn trong năm 2019 và những năm tiếp theo với khả năng đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế đất nước."
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch hội Doanh nhân tư nhân đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Halcom, cho rằng “cuộc cách mạng 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho chính các doanh nhân-doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Trong bối cảnh kinh tế mới, con người-lực lượng lao động vẫn là những giá trị cốt lõi mà các doanh nghiệp cần quan tâm - coi trọng nếu muốn phát triển bền vững trong thương trường: “Một trong những giải pháp quan trọng là doanh nghiệp phải xác định rõ được văn hóa doanh nghiệp-triết lý của mình và phải tuân thủ-kiên trì theo đuổi văn hóa đấy, tuân thủ pháp luật, hướng tới cộng đồng thì cái lợi ích của anh mới bền vững. Thứ 2 nữa là phải chia sẻ lợi nhuận với đối tác - không ai kinh doanh được một mình. Và phải nắm bắt được tinh thần hội nhập vì khi đã tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu với các hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp không thể một mình một chợ được.”
Chính phủ đã và đang định hướng tới năm 2020, có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp tư nhân có tỷ trọng đóng góp khoảng 50% tổng sản phẩm nội địa. Con số mục tiêu tăng gấp rưỡi vào năm 2025 với 1 triệu rưỡi doanh nghiệp tư nhân và tăng tỷ lệ đóng góp lên 55% GDP. Năm 2030, mục tiêu tối thiểu có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân và tổng sản phẩm nội địa khối này đóng góp ước đạt từ 60 đến 65%.