(VOV5) - Cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và khí hóa lỏng đến năm 2030 sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng với gần 25% tổng công suất nguồn điện.
Sáng nay (22/11), tại Hà Nội, Báo Sài Gòn Giải Phóng và Báo Đầu tư Tài chính phối hợp tổ chức Diễn đàn phát triển thị trường khí Việt Nam với chủ đề “Phát triển điện khí LNG - Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng”.
Quang cảnh Diễn đàn |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng, cho biết Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí hóa lỏng”, đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng ở Việt Nam.
Theo ông Tăng Hữu Phong, theo Quy hoạch đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước là hơn 150.00 MW (không bao gồm nhập khẩu, điện mặt trời mái nhà tự dùng, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới) và định hướng đến năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện đạt từ 490.000 đến 573.000 MW. Cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và khí hóa lỏng đến năm 2030 sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng với gần 25% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam.