(VOV5) - Với lợi thế là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh đang quy hoạch xây dựng trở thành khu kinh tế ven biển của Việt Nam với các dự án trọng điểm.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tỉnh Ninh Thuận là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, được xem là vùng đất có nhiều tiềm năng lợi thế có thể khai thác, được xác định là một trong những vùng trọng điểm trong chiến lược phát triển của nước. Để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tỉnh Ninh Thuận đang nỗ lực kêu gọi, xúc tiến đầu tư, đưa Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận sẽ có tổng diện tích là 439 km2. Ảnh: dautuvakinhdoanh.vn |
Với nhiều tiềm năng, thế mạnh mới về năng lượng tái tạo, du lịch đẳng cấp cao, kinh tế biển, nông nghiệp công nghệ cao, bất động sản… Ninh Thuận từ lâu đã là “địa chỉ đỏ” của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Với lợi thế là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh đang quy hoạch xây dựng trở thành khu kinh tế ven biển của Việt Nam với các dự án trọng điểm, như: Cảng biển tổng hợp Cà Ná là cảng nước sâu của khu vực; trung tâm điện khí LNG Cà Ná; hạ tầng khu công nghiệp; tổng kho xăng dầu; chế biến hóa chất sau muối...
Ninh Thuận sẽ phát triển và hình thành 6 đô thị ven biển gồm: Vĩnh Hy, Thanh Hải, Khánh Hải, Phan Rang - Tháp Chàm, Sơn Hải, Cà Ná và hình thành dải ven biển, phát triển theo cấu trúc không gian đan xen hỗn hợp đô thị du lịch về phía Bắc và phía Nam của tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết: "Cùng với cộng đồng doanh nghiệp, không chỉ bằng lời nói mà còn những hành động thiết thực như trong thời gian qua tỉnh đã hành động. Chắc chắn chúng tôi sẽ cải cách mạnh mẽ hơn nữa các thủ tục đầu tư, các cơ chế chính sách, để tạo niềm tin thực sự cho cộng đồng doanh nghiệp, cho các nhà đầu tư khi đến Ninh Thuận thực sự yên tâm và xem như đang ở nhà của mình để thực hiện các công việc, hoàn thành dự án cho mình chứ không phải cho tỉnh Ninh Thuận. Chúng tôi rất tin tưởng và kỳ vọng các nhà đầu tư yên tâm khi đến Ninh Thuận, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao cho doanh nghiệp cũng như cho Ninh Thuận."
Trong thời gian qua, Ninh Thuận đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, huy động nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư các lĩnh vực có lợi thế. Trong đó ưu tiên xây dựng các dự án ven biển, đô thị gắn liền với phát triển du lịch thu hút du khách. Tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, nhất là về kinh tế biển và năng lượng tái tạo được các nhà đầu tư nhận diện và đánh giá cao.
Ninh Thuận đang gấp rút thi công cảng tổng hợp Cà Ná. Ảnh: Đoàn Sĩ/ VOV |
Với tầm nhìn chiến lược giai đoạn tới là “Ninh Thuận - vùng đất hội tụ những giá trị khác biệt,” tỉnh chủ trương tập trung các ngành có tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh, có khả năng cạnh tranh cao, ưu tiên phát triển 5 cụm ngành gồm: năng lượng tái tạo và năng lượng sạch; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng - kinh doanh bất động sản. Ông Trương Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Ninh Thuận, cho biết: "Tỉnh Ninh Thuận đang đẩy nhanh tiến trình xây dựng cảng Cà Ná, đây là cảng nước sâu, quy mô có thể tiếp nhận tàu 300.000 tấn. Hiện chúng tôi đã đưa vào sử dụng cảng số 1 với khả năng tiếp nhận tàu 100.000 tấn. Đồng thời đẩy nhanh các dự án trọng điểm trong khu vực phía Nam như: Tổ hợp trung tâm điện khí LNG Cà Ná quy mô 1.500 MGA; hạ tầng khu công nghiệp; tổng kho xăng dầu; chế biến... Đẩy nhanh tiến độ hạ tầng, đường giao thông kết nối, đặc biệt là tuyến đường giao thông kết nối với Khu công nghiệp Cà Ná và cảng biển Cà Ná. Tỉnh cũng tập trung thu hút đầu tư về lĩnh vực năng lượng. Về lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, tỉnh ưu tiên các dự án sản xuất giống thủy sản, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tôm giống… Bên cạnh đó là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cơ khí sẽ theo hương công nghệ sạch."
Trong giai đoạn 2021-2030, Ninh Thuận đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,84%/năm. Đến năm 2030, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt trên 8.000 USD/năm; kinh tế biển chiếm từ 45-46% GRDP; kinh tế đô thị chiếm 70% GRDP. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ninh Thuận sẽ tập trung thu hút đầu tư, phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng, nhất là năng lượng, năng lượng tái tạo, du lịch đẳng cấp cao, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao, kinh tế biển, kinh tế đô thị, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh. Đồng thời, tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ông Sử Đình Vĩnh, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Ninh Thuận, cho biết: "Các chế độ ưu đãi dành cho nhà đầu tư của tỉnh Ninh Thuận hiện tốt nhất cả nước. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng của địa phương rất tiện lợi. Đường quốc lộ, đường sắt đi qua tất cả các khu công nghiệp. Phía Bắc có cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), phía Nam có cảng nước sâu Cà Ná; 3 địa phương lân cận đều có sân bay… nên rất thuận lợi."
Tỉnh Ninh Thuận đã và đang huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên thông đa mục tiêu, có tính kết nối cao, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển, nhất là các ngành, lĩnh vực, vùng động lực; ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, cảng biển, thủy lợi, đô thị, khu cụm công nghiệp, truyền tải điện, thông tin số, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Ninh Thuận tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, đột phá… Ninh Thuận đang nỗ lực hết mình để trở thành địa phương đi đầu trong thu hút đầu tư của Việt Nam và là điểm đến thành công cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.