(VOV5) - Việt Nam là quốc gia đa dạng về giống gạo và nhờ thế, có thể đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu đến nhiều quốc gia khác nhau.
Tiếp tục phát huy những tiềm năng, lợi thế trong ngành sản xuất lúa gạo, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái ở cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng. Lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao là một trong số những sản phẩm nằm trong danh mục của Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030. Do đó, hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này đang nỗ lực phát triển sản phẩm, tăng cường kết nối với nhau để từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm.
Ảnh minh họa. Nguồn: Bộ Công Thương |
Xuyên suốt quá trình phát triển, ngành hàng sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt nhiều “kỳ tích”. Trong bối cảnh mới hiện nay, với những biến động của thị trường thế giới, biến chuyển của thị hiếu tiêu dùng cộng với biến đổi khí hậu ngày một rõ nét, ngành lúa gạo Việt Nam đang có sự chuyển mình mạnh mẽ trong cả sản xuất và xuất khẩu. Theo đó, ngành tập trung nâng cao chất lượng lúa gạo, mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo bền vững trên thị trường quốc tế.
Thực tế, Việt Nam là quốc gia đa dạng về giống gạo và nhờ thế, có thể đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu đến nhiều quốc gia khác nhau. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế khi sản xuất các giống lúa trong nước và lai tạo từ giống của nước ngoài đều cho năng suất cao, chất lượng ngon. Vì thế, ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philipines, châu Phi; lượng gạo Việt Nam vào Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), các quốc gia châu Âu Liên minh châu Âu (EU) cũng ngày càng tăng, mặc dù để vào được các thị trường này phải vượt qua rất nhiều tiêu chí kỹ thuật và chất lượng khắt khe. 6 tháng đầu năm nay, lượng xuất khẩu gạo ước đạt 4,27 triệu tấn, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước; giá trị xuất khẩu ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước; đứng thứ 3 về giá trị xuất khẩu trong nhóm hàng nông sản.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch hội đồng quảng trị Tập đoàn Lộc Trời, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi có vùng trồng riêng, cấp mã số vùng trồng, truy xuất được nguồn gốc, có những giống riêng và chúng tôi có cả những quy trình canh tác chuẩn, được quốc tế thừa nhận. Những điều này nhằm khẳng định rằng gạo Việt Nam an toàn. Từ đó, người tiêu dùng rất an tâm khi mua gạo này".
Hiện sản phẩm gạo Việt Nam đã được xuất sang hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, song thị trường vẫn chưa được đa dạng hóa. Thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và các Bộ, ngành liên quan xác định cần đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, kết nối nhà cung ứng với nhà nhập khẩu, nhà phân phối... Cùng đó, triển khai tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại có tính lan tỏa rộng và duy trì sự hiện diện của Việt Nam trên các sân chơi lớn phù hợp với thực tế của thị trường. Bên cạnh đó, sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp lúa gạo trong nước với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cũng đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gạo cần chung tay kết nối, quảng bá liên kết trong xuất khẩu gạo; trong đó, liên kết với nông dân để hình thành chuỗi sản xuất khép kín; mở rộng tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Những hoạt động kết nối này được triển khai đồng bộ sẽ góp phần tích cực trong việc nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.