Tạo sinh kế để người nghèo thoát nghèo bền vững

(VOV5) - Ngày 17/10 hàng năm được chính phủ Việt Nam chọn là Ngày vì người nghèo Việt Nam. Các hoạt động hướng về người nghèo mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn sâu sắc, không những giúp nâng cao đời sống cho người nghèo, mà còn góp phần củng cố niềm tin của người dân với chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. 

Tạo sinh kế để người nghèo thoát nghèo bền vững - ảnh 1
Ảnh minh họa (nguồn: internet)


 Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Hiện nay, nhiều chính sách dự án, hoạt động cụ thể đang tiếp tục được triển khai nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam, trong đó phải kể đến như Quyết định 167 của Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; Dự án Ngân hàng bò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; sửa chữa, xây mới nhà đồng đội cho hộ quân nhân nghèo của các đơn vị trong quân đội hay hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật có việc làm ổn định của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam.


Từ đầu năm đến nay, Quỹ xã hội từ thiện “Tấm lòng vàng”, chương trình “Tấm lưới nghĩa tình”, Quỹ “Mái ấm công đoàn” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã giúp hàng vạn người có việc làm, vay vốn phát triển sản xuất thoát nghèo. Riêng quỹ Mái ấm công đoàn đã hỗ trợ nông dân xây mới, sửa chữa hơn 300 ngôi nhà đại đoàn kết cho đoàn viên công đoàn nghèo. Ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết: "Liên quan đến người nghèo, chúng tôi có quỹ hỗ trợ công nhân viên chức lao động nghèo giải quyết việc làm. Hiện quỹ này đang ở 5 tỉnh thành phố là Hồ Chí Minh, An Giang, Quảng Ninh và Bà Rịa Vũng Tàu, Hà Nội. Quỹ này cho những người nghèo nhất, họ không tiếp cận được với ngân hàng thì cho họ vay số tiền nhỏ nhưng tạo ra thu nhập ổn định cho người nghèo".


Hội Nông dân Việt Nam cũng có cách làm riêng nhằm tạo sinh kế ổn định cho người dân, giúp xóa đói giảm nghèo. Là thành viên trong Ban chỉ đạo vận động ủng hộ Quỹ vì người nghèo, Hội Nông dân các cấp luôn xác định công tác xóa đói giảm nghèo là việc làm thường xuyên, liên tục. Bên cạnh tuyên truyền, vận động mạnh thường quân ủng hộ Quỹ hỗ trợ nông dân, ở mỗi cấp hội đều giao chỉ tiêu cụ thể cho hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giúp đỡ 1 đến 2 hộ thoát nghèo bằng việc hỗ trợ vốn, chuyển giao kỹ thuật. Hội xác định không thực hiện hỗ trợ trực tiếp như những năm trước đây mà là cầu nối giúp người nghèo vay vốn ngân hàng, tìm đầu ra cho sản phẩm và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ông Lều Vũ Điều, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, chia sẻ: "Cụ thể là các phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu bền vững đã phát huy hiệu quả. Ngoài hoạt động giúp đỡ trực tiếp nông dân, Hội vận động nông dân đóng góp xây dựng quỹ để hỗ trợ nông dân có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua các quỹ hỗ trợ nông dân này, thì hộ nông dân nghèo được vay vốn với lãi suất thấp, giúp nông dân thoát nghèo bền vững. Hội còn tổ chức mở các lớp dạy nghề cho người nghèo, cầm tay chỉ việc cho bà con vùng dân tộc miền núi".


Tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước. Do vậy, nhiều nguồn lực đang được tập trung vào khu vực này nhằm đẩy nhanh công tác giảm nghèo. Vì vậy, từ năm 2013, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và vận động quyên góp của các tổ chức cá nhân, Ủy ban Dân tộc đã giải ngân gần khoảng 75 nghìn tỷ đồng giúp khoảng 7 triệu nhân khẩu sống ở vùng đặc biệt khó khăn trên cả nước, đầu tư sản xuất, tạo được nguồn thu nhập ổn định. Ông Sơn Phước Hoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho biết: "Việc cho vay vốn, chúng tôi cũng có chính sách đặc biệt đối với hộ cực nghèo, hộ đặc biệt khó khăn. Vì vậy từ năm 2013, chúng tôi đề nghị trong năm nay bố trí khoảng 100 tỷ để các hộ này được vay vốn giải quyết khó khăn bức xúc của họ. Ngoài ra, hỗ trợ hộ nghèo du canh du cư để ổn định dân cư".


Thực hiện mục tiêu giảm nghèo là chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước và của cả hệ thống chính trị Việt Nam. Trong 15 năm qua, những chương trình, dự án giảm nghèo mà các Ban, ngành, đoàn thể đang triển khai đã rạo ra sự thay đổi rõ nét, từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, tạo sinh kế ổn định lâu dài để người nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác