(VOV5)- Tại Hà Nội vừa diễn ra Phiên đàm phán cấp Trưởng đoàn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc tham gia Hiệp định này sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, mở ra nhiều lợi thế cho đầu tư, xuất khẩu, song Việt Nam cũng phải chấp nhận nhiều thách thức mới.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Tham dự phiên đàm phán tại Hà Nội, ngoài đoàn Việt Nam có đại diện của 11 nước khác gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Mỹ. Tại phiên đàm phán, các đoàn tham gia tập trung thảo luận những vấn đề còn tồn tại trong các lĩnh vực: tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, môi trường pháp lý và tiến hành các cuộc trao đổi song phương. Đối với Việt Nam, một nước đang phát triển tham gia TPP, thì Hiệp định này tạo ra cơ hội lớn cho sản xuất, kinh doanh, thương mại, đầu tư và nhất là đẩy mạnh xuất khẩu.
Khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, có đến 90% các dòng thuế được giảm xuống còn 0% vào các thị trường lớn như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Canada…sẽ giúp doanh nghiệpViệt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Dự báo, với kim ngạch xuất nhập khẩu của các nước trong TPP lên đến 230 tỷ USD, việc tham gia hiệp định này sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng thương mại lên tới 20 – 30%. Tuy nhiên, được hưởng ưu đãi thuế quan, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ từ nội địa, hoặc trong các nước TPP. Trong khi đó, riêng dệt may, hiện có đến 50% nguồn nguyên liệu sản xuất vẫn phải nhập khẩu từ các nước ngoài khối TPP. Mặc khác, cùng với việc giảm thuế quan, thị trường nội địa sẽ phải “mở cửa” rộng hơn cho hàng nhập khẩu. Doanh nghiệp sản xuất Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn trên chính sân nhà. Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Chủ tịch Hội quản trị Doanh nghiệp Việt Nam, cho rằng:“Hiệp định TPP có nhiều lĩnh vực mới mà lâu nay chúng ta chưa tham gia đàm phán nhiều. Cơ quan hoạch định chính sách cần tìm hiểu để tạo ra môi trường pháp lý bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam thích ứng môi trường trong TPP. Chính phủ cần có hỗ trợ cho định hướng đầu tư cho công nghiệp phụ trợ cho dệt may, bản thân doanh nghiệp cũng phải nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể nâng lên tầm cao mới, tham gia sân chơi tầm cỡ cả về chiều rộng và chiều sâu.”
Bên cạnh việc giải quyết các vấn đề truyền thống như: tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, Hiệp định này cũng đề cập cả các lĩnh vực mới, quan trọng như: quyền sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, lao động và môi trường. Những tiêu chuẩn cao, những cam kết sâu rộng, điều kiện thực thi ngặt nghèo buộc nền kinh tế Việt Nam phải đẩy nhanh tái cấu trúc từ bên trong. Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng Hiệp định này tạo ra những áp lực để cải cách thể chế: “Những lợi ích mà chúng ta có thể đạt được từ TPP còn phụ thuộc vào việc Việt Nam sẽ cải cách đến đâu. Sự cải cách đó gắn với các chương trình tái cơ cấu trọng điểm là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phân bổ lại nguồn lực hiệu quả hơn để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường”.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương hướng tới một sân chơi bình đẳng, không phân biệt quốc gia phát triển hay đang phát triển. Đây là cơ hội lớn cho phát triển, song cũng đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải vươn lên đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp của các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Canada hay Australia…Do vậy, muốn tận dụng được cơ hội và hưởng lợi từ Hiệp định TPP, vấn đề quan trọng đặt ra với Việt Nam là phải cải cách mạnh mẽ từ trong nước. Ông Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, cho rằng: “Chính phủ đang nỗ lực tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng, đầu tư, mua sắm công…là để đón nhận hội nhập và dòng đầu tư phát triển mới, thích nghi với điều kiện môi trường của TPP. Với doanh nghiệp, đã đến lúc bắt đầu một thời kỳ mới dựa trên sự phát triển bền vững. Do đó, các doanh nghiệp cần chú trọng đến việc tái cơ cấu lại hoạt động, năng lực quản trị. Đặc biệt chú trọng đến chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết, củng cố vai trò của hiệp hội để làm cầu nối cho doanh nghiệp với thị trường”.
Để tham gia sân chơi kinh tế rộng lớn và năng động bậc nhất trên thế giới là TPP, Việt Nam sẽ phải giải bài toán với nhiều được - mất. Nhưng đây cũng là thời điểm quan trọng để Việt Nam tiến hành những cải cách mạnh mẽ hơn nữa, tận dụng cơ hội tạo cú hích, đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển trong thời gian tới./.