(VOV5) - Trong 30 năm đổi mới, cơ cấu kinh tế của Việt Nam đã chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Sự hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện của nền kinh tế đất nước vào kinh tế toàn cầu đã mang lại cho chúng ta những cơ hội vô cùng to lớn nhưng cũng xen lẫn nhiều thách thức không hề nhỏ”. Điều này được, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh tại hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận-thực tiễn cốt yếu về công nghiệp hoá-hiện đại hoá trong quá trình đổi mới và phát triển ở Việt Nam”.
|
Toàn cảnh Hội thảo.Ảnh: doisongphapluat.com |
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định những thành tựu của công nghiệp hóa-hiện đại hóa đã góp phần quan trọng làm cho đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ đói nghèo giảm, chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng và an ninh được giữ vững, nâng cao tiềm lực và vị thế quốc tế của đất nước. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh:Có thể nói chúng ta đã chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế tương đối thành công, đó là tỉ trọng của khu vực nông nghiệp trong GDP giảm từ 38,1% năm 1986 xuống mực 18,4% năm 2013, trong khi tỷ trọng của khu vực công nghiệp đã tăng từ 28,9% lên 38,3%. Đặc biệt trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển đã hình thành một số vùng kinh tế trọng điểm giữ vai trò động lực tăng trưởng. Nhiều khu công nghiệp khu chế xuất, khu công nghệ cao đã hình thành trong cả nước thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các thành phầm kinh tế thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu, nhà quản lý, nhà khoa học phát huy dân chủ, cởi mở, trao đổi thẳng thắn các vấn đề bất cập, khó khăn mà nền kinh tế đất nước đang đối mặt để có giải pháp khắc phục. Đặc biệt, việc lựa chọn, xây dựng mô hình công nghiệp hóa-hiện đại hóa theo hướng hiện đại trong thời gian tới cần theo hướng ưu tiên nguồn lực vào ngành và lĩnh vực nào và dựa trên cơ sở thực tiễn nào, các giải pháp và chính sách ưu tiên nên được thiết kế ra sao để đạt được các mục tiêu đề ra./.