Thu hút hơn 8,2 tỷ USD vốn FDI trong 4 tháng


Theo báo cáo sơ bộ của Cục Đầu tư nước (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 4 tháng đầu năm 2013, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 3,75 tỷ USD, tăng 3,9% với cùng kỳ năm 2012.

Thanh Hóa là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 2,8 tỷ USD, chiếm 34,1% tổng vốn đầu tư.

Tính đến ngày 20/4, cả nước có 341 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) với tổng vốn đăng ký là 4,873 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2012 và 121 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,34 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2012.

Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2013 tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 8,219 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong 4 tháng đầu năm 2013, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 164 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 7,413 tỷ USD, chiếm 90,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 307,05 triệu USD, chiếm gần 3,7% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa với 49 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 127,62 triệu USD.

Cũng trong 4 tháng đầu năm 2013 đã có 37 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,635 tỷ USD, chiếm 44,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,331 tỷ USD, chiếm 28,4% tổng vốn đầu tư; Liên bang Nga đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,105 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 42 tỉnh thành phố, trong đó với sự điều chỉnh tăng 2,8 tỷ USD vốn đầu tư của Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất, chiếm 34,1% tổng vốn đầu tư. Thái Nguyên đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,016 tỷ USD, chiếm 24,5% vốn đăng ký. Bình Định đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,009 tỷ USD./.

Nguyễn Quỳnh/VOV online

Phản hồi

Các tin/bài khác