(VOV5) - "Tây Ninh cần trở thành một trung tâm sản xuất, chế biến nông sản chất lượng cao của cả nước" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Sáng 21/8, tại Tây Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Tây Ninh.
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết chiều 20/8 và sáng 21/8 đã thăm và ấn tượng về các mô hình sản xuất nông nghiệp và nhà máy chế biến nông sản công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Tây Ninh có gần 65% đất nông nghiệp chất lượng tốt có thể canh tác, cho thấy điều kiện tự nhiên thuận lợi của Tây Ninh trong phát triển nông nghiệp.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. |
Với việc Tây Ninh nằm giữa TPHCM, trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, và Thủ đô Phnom Penh của Campuchia, Thủ tướng cho rằng, đây vừa là điều kiện thuận lợi, nhưng cũng là thách thức với Tây Ninh. Nếu không có giải pháp tạo sự phát triển bứt phá, tỉnh sẽ tụt hậu.
Tây Ninh là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ phía Tây Bắc của TPHCM, cầu nối gần nhất giữa TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Thủ đô Phnom Penh của Campuchia, qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Để phát huy lợi thế này, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành sớm triển khai Dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài.
Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các Bộ, ngành cho rằng, Tây Ninh cơ bản vẫn là tỉnh nông nghiệp và cần tạo phát triển đột phá trong phát triển nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó là bảo vệ rừng tự nhiên, phát triển rừng gắn với phát triển du lịch, trong đó có du lịch sinh thái.
Với các cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát, Tây Ninh cần đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, hoàn thiện hạ tầng đến các cửa khẩu và phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là khi phát triển hạ tầng của Tây Ninh cũng là tạo thuận lợi cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Tây Ninh có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và thời gian qua đã đạt nhiều kết quả toàn diện về kinh tế-xã hội, trong đó có tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm. Tỉnh có nhiều mô hình với cách làm tốt, trong đó, những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị mà Thủ tướng đã thăm.
Thủ tướng cho rằng, đây là những mô hình có thể nghiên cứu và nhân rộng để làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng tán thành với ý kiến của các Bộ và Tây Ninh trong việc xác định thế mạnh phát triển của tỉnh, là nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp chế biến sâu, phát triển du lịch, phát triển kinh tế biên mậu...
Tuy vậy, Thủ tướng lưu ý Đảng bộ, chính quyền tỉnh về một số vấn đề đặt ra như tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại có thể thâm nhập vào nước ta qua địa bàn Tây Ninh, nhất là qua các cửa khẩu. Tỉnh cũng cần lưu ý phát triển đi liền với bảo vệ môi trường sinh thái, nhất là bảo vệ môi trường rừng; thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến mạnh mẽ hơn thay vì chỉ có một số nhà máy hiện nay.
Từ những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Thủ tướng cho rằng: “Tinh thần lớn là tỉnh Tây Ninh cần trở thành một trung tâm sản xuất, chế biến nông sản chất lượng cao của cả nước, một hình mẫu đi lên làm giàu từ nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020 Tây Ninh tự cân đối được ngân sách. Không phải một nhà máy Tinafood công nghệ hiện đại, công nghiệp 4.0, không phải nông trường Thành Long đã thành công bước đầu như thế, mà phải có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chế biến công nghệ hiện đại để sản xuất và tiêu dùng trong nước”.
Nhấn mạnh phát huy nguồn lực tại địa phương là rất quan trọng để phát triển, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành căn cứ vào đề xuất của tỉnh, đưa ra các cơ chế đúng pháp luật để giúp Tây Ninh phát triển, trong đó có việc sử dụng nguồn lực hiệu quả, nhất là nguồn lực đất đai.
Để tạo cú huých giúp Tây Ninh phát triển mạnh mẽ hơn, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của tỉnh về việc cần sớm triển khai tuyến cao tốc Hồ Chí Minh-Mộc Bài, giao Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Tây Ninh thúc đẩy mạnh mẽ tuyến đường này. Thủ tướng kết luận, trong tháng 9, Bộ Giao thông vận tải phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiền khả thi tuyến đường này, để từ đó Thủ tướng có chủ trương cụ thể về giải phóng mặt bằng của tuyến đường, tiếp tục triển khai sớm tuyến cao tốc Hồ Chí Minh – Mộc Bài từ những nguồn lực khác nhau để tiến hành khởi công sớm nhất.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành phối hợp, giúp Tây Ninh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực biên giới; các chính sách về thuế, điện sinh khối mà doanh nghiệp nêu ra.
Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh, thì nửa đầu năm 2018, tăng trưởng kinh tế của Tây Ninh đạt 7,7%, trong đó, cơ cấu công nghiệp-xây dựng và dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 xếp hạng 19/63 tỉnh, thành phố. Tỉnh có 26/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm hơn 32% tổng số xã.