(VOV5) - Việt Nam là nước có tốc độ phát triển thương mại điện tử rất cao. Thương mại điện tử Việt Nam xếp thứ 4 Đông Nam Á.
Hội thảo “Thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thị trường khu vực APEC nhằm thu hẹp khoảng cách số” diễn ra trong 2 ngày 22-23/10 tại Hà Nội.
Với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế số là thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương, cho biết hội thảo là cơ hội để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các chính sách phát triển kinh tế số và thương mại điện tử, đặc biệt là thảo luận về các chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng thương mại điện tử, mở rộng kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế số Việt Nam.
Ông Đặng Hoàng Hải cho biết: “Khu vực tư nhân là động lực rất quan trọng trong tiến trình số hóa nền kinh tế. Các chương trình của chính phủ cũng khẳng định điều này và thấy cần phải hỗ trợ nhiều hơn nữa cho khối doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân trong số hóa kinh tế…. Đây là mối quan tâm lớn và chúng tôi hy vọng hội thảo hôm nay có thể tìm cách để phát triển nền kinh tế số. Các diễn giả sẽ cho chúng ta cái nhìn tổng quan của lộ trình APEC, thúc đẩy sự tham gia của tất cả các thành viên trong APEC; Thảo luận các nội dung liên quan tới nền kinh tế số trong đó có vấn đề đảm bảo an toàn dữ liệu và đẩy mạnh Logistics. Đây là những vấn đề quan trọng và hy vọng khỏa lấp những khoảng trống số”.
Đại diện Bộ Công thương cũng đã công bố số liệu khẳng định Việt Nam là nước có tốc độ phát triển thương mại điện tử rất cao. Cụ thể, với quy mô thị trường đạt 4 tỷ USD vào năm 2015 và tăng gấp đôi vào năm 2018, Thương mại điện tử Việt Nam xếp thứ 4 Đông Nam Á, trải qua các giai đoạn: hình thành, phổ cập, và giờ là phát triển. Với 143 triệu thuê bao di động, trong đó, hơn 40% người dân có nhiều hơn 1 thiết bị di động và 64% thường xuyên truy cập-tham gia giao thương qua internet, cùng một hệ thống chính sách pháp luật ngày hoàn thiện, Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển lĩnh vực này.