(VOV5) - Việc hàng hóa bình ổn giá ngày càng tiếp cận được nhiều đối tượng mục tiêu thụ hưởng là công nhân, hộ gia đình thu nhập thấp…
Được xem là một "thương hiệu" của TP.HCM, 20 năm qua, Chương trình “Bình ổn thị trường” đã tạo được nguồn cung hàng tiêu dùng thiết yếu ổn định với mức giá luôn thấp hơn giá thị trường, đóng góp ngày càng hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Trên cơ sở kết quả đạt được, TP. HCM xây dựng nhiều giải pháp nhằm mở rộng quy mô và hiệu quả chương trình, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng chế biến sâu.
Một trong những kết quả quan trọng đạt được từ Chương trình “Bình ổn thị trường” tại TP. HCM là việc hàng hóa bình ổn giá ngày càng tiếp cận được nhiều đối tượng mục tiêu thụ hưởng là công nhân, hộ gia đình thu nhập thấp…
Bà Nguyễn Hồng Thu ở TP. Thủ Đức, địa bàn có đông dân cư là công nhân, người lao động với nguồn thu nhập hạn chế, cho biết: từ nhiều năm nay, gia đình bà chủ yếu mua các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cũng như đồ dùng học tập cho con cái tại các điểm bán hàng bình ổn giá thuộc Chương trình “Bình ổn thị trường”. Mức giá rẻ hơn từ 5-10% của các điểm bán hàng bình ổn giá giúp gia đình bà và nhiều hộ dân có nguồn thu nhập hạn chế khác tiết kiện được khá nhiều chi phí sinh hoạt. Bà Thu chia sẻ: “Điều thuận lợi đối với tôi là ra khỏi nhà không bao xa đã có các điểm bán hàng, như: Vissan, Satra, Co.op Mart... Rất thuận tiện cho tôi để mua sắm hàng hóa bình ổn giá. Qua đó cũng giảm được đáng kể chi phí trong gia đình và yên tâm về chất lượng hàng hóa”.
Đến hết năm 2022, TP.HCM có gần 11.000 điểm bán hàng bình ổn thị trường của các doanh nghiệp và hệ thống siêu thị. Nhiều mặt hàng bình ổn chiếm từ 19-79% lượng hàng hóa của thị trường, đủ sức điều tiết thị trường khi có hiện tượng khan hàng, sốt giá. Danh mục và số lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường cũng ngày càng tăng lên. Từ một nhóm hàng lương thực, thực phẩm ban đầu, giờ đây chương trình có 8 nhóm hàng thiết yếu, gồm: gạo, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, đường, rau củ, cùng một số mặt hàng phục vụ học tập và phòng chống dịch COVID-19. Đáng chú ý, doanh thu của chương trình có sự tăng trưởng mạnh, từ mức 344 tỷ đồng (15 triệu USD) năm 2002, lên đến gần 22.400 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) năm 2022. Đồng thời, toàn bộ chương trình đã được xã hội hóa 100%.
Có được kết quả như ngày nay, cùng với sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, còn có sự đồng hành tích cực và tham gia ngày càng hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, nhiều doanh nghiệp tham gia ngay từ những ngày đầu và đang không ngừng mở rộng đóng góp cho chương trình.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên minh hợp tác xã thương mại TP.HCM (SaiGon Co.op), một trong những đơn vị tiên phong tham gia chương trình, cho biết SaiGon Co.op hiện có lượng hàng hóa bình ổn nhiều gấp 8 lần so với thời gian đầu. Đáng chú ý, tất cả siêu thị, cửa hàng tiện lợi của SaiGon Co.op ở TP.HCM và 42/63 tỉnh, thành đều bán hàng bình ổn, doanh thu chiếm 15%. Đơn vị còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất đưa hàng bình ổn vào bán trong các siêu thị, cửa hàng của SaiGon Co.op.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op. Ảnh: Saigon Co.op |
Ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ: “Các doanh nghiệp cùng phối hợp với SaiGon Co.op tham gia chương trình bình ổn thị trường thông qua những điều kiện mang tính chất hỗ trợ cho doanh nghiệp nhiều hơn. Chi phí mà SaiGon Co.op áp dụng cho đối tác, hàng hóa tham gia chương trình bình ổn thị trường cũng ưu đãi đặc biệt hơn so với thị trường và so với những đơn vị cung cấp bình thường khác”.
Lãnh đạo TP.HCM đánh giá Chương trình “Bình ổn thị trường” ngày càng đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng và phát triển của thành phố, nhất là về mặt kinh tế-xã hội. Để tiếp tục phát huy và nâng cao hiệu quả chương trình, thành phố xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn cung, đồng thời bổ sung những mặt hàng mới phát sinh theo nhu cầu cuộc sống. Bên cạnh đó, thành phố cũng tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, đẩy mạnh triển khai đề án logistics…. Đặc biệt, thành phố định hướng tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến sâu.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết mục tiêu hướng đến là hình thành được vùng nguyên liệu chuyên canh gắn với chế biến sâu. Theo đó, trong thời gian tới, thành phố không chỉ mở rộng liên kết vùng nguyên liệu, mà còn tăng cường kết nối chặt chẽ hơn nữa với các địa phương trên cả nước, ở tất cả các khâu, như: sản xuất, chế biến, tiêu dùng, giao thông, lưu thông hàng hóa…
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Sỹ Đông |
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Làm sao chúng ta chuyển được nông nghiệp thành kinh tế nông nghiệp hiệu quả, gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ gắn với hoạt động thương mại trong nước, xuất khẩu trong giai đoạn tới. Chúng ta cần bắt kịp các xu hướng phát triển, các xu hướng khoa học, công nghệ, phương thức vận hành thị trường, ví dụ như: ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến và ứng dụng thương mại điện tử…”.
Với quyết tâm của lãnh đạo thành phố, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể người dân, Chương trình “Bình ổn thị trường” tại TP.HCM chắc chắn ngày càng đóng góp hiệu quả hơn vào tiến trình phát triển kinh tế-xã hội ổn định, bền vững của trung tâm kinh tế lớn nhất đất nước