(VOV5) - Điểm sáng đáng kể của nền kinh tế những tháng đầu năm là sự phục hồi của hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài.
Sáng nay (17/05), tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam 2024, trong đó đề cập những điểm nổi bật của kinh tế Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024 với những điểm sáng cũng như những áp lực ảnh hưởng tới ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế.
oạ đàm “Đối thoại chính sách: Ổn định thị trường Vàng; Giữ vững vĩ mô; Tạo đà phục hồi trong bối cảnh thế giới bất định” tổ chức sáng 17/5. Ảnh: VOV
|
Theo Báo cáo, điểm sáng đáng kể của nền kinh tế những tháng đầu năm là sự phục hồi của hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài; trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước; thặng dư thương mại được duy trì 8 năm liên tiếp, với giá trị xuất siêu 4 tháng đầu năm nay ước đạt 8,4 tỷ USD… Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, cho rằng kinh tế Việt Nam năm nay hoàn toàn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra những điểm đáng lưu ý tác động tới kinh tế vĩ mô những tháng tiếp theo: "Cần lưu ý tới sự tăng trưởng không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực, giữa các địa phương với nhau. Cùng với đó, vẫn còn những yếu tố thiếu bền vững. Chẳng hạn như chỉ số sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm tăng khá cao nhưng đến hết tháng 4 mức độ tăng trưởng chậm trở lại cho dù chỉ số PMI trên 50 điểm. Điều này cho thấy cần phải lưu ý đối với chính sách kinh tế".
Trong báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam 2024, VEPR khuyến nghị thực hiện 5 nhóm giải pháp để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian tới, bao gồm: tăng cường giải ngân đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp; tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng; thúc đẩy đa dạng hoá các kênh dẫn vốn và đầu tư ngoài tín dụng ngân hàng; và nâng cao mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và của các doanh nghiệp Việt Nam.