(VOV5) - Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là khu Kinh tế cửa khẩu duy nhất trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cả Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và Quy hoạch chung xây dựng.
Tỉnh Quảng Ninh trong năm 2015 công bố quy hoạch 2 khu kinh tế cửa khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là: Hoành Mô - Đồng Văn và Móng Cái, với tầm nhìn đến năm 2030. Việc công bố quy hoạch là cơ sở quan trọng để phát triển các khu kinh tế cửa khẩu nói riêng, phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội vùng biên giới của Quảng Ninh nói chung.
|
Móng Cái là khu Kinh tế cửa khẩu duy nhất trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cả Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và Quy hoạch chung xây dựng. Ảnh: mongcai.gov.vn
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, gắn với cửa khẩu Hoành Mô, nằm trên địa bàn huyện Bình Liêu, tiếp giáp với thành phố cảng Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Khu kinh tế cửa khẩu này được quy hoạch phát triển theo hướng khu kinh tế đa ngành, góp phần mở rộng giao lưu, buôn bán, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Theo ông Cao Tường Huy, Bí thư huyện ủy huyện Bình Liêu, vị trí, tầm quan trọng và sức hút của cửa khẩu Hoành Mô sẽ còn tăng cao khi Chính phủ chính thức công nhận Hoành Mô là cửa khẩu song phương. Phía nước bạn Trung Quốc cũng đang triển khai lộ trình đưa vị trí này trở thành cửa khẩu quốc tế và đang xây dựng con đường cao tốc từ cửa khẩu đi Phòng Thành. Ông Cao Tường Huy cho biết: “Thời gian vừa qua chúng tôi đã xác định phải dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước và doanh nghiệp. Phải tự mình vươn lên thoát nghèo, làm giầu bằng chính tiềm năng, lợi thế của mình. Chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp khi đến với Bình Liêu sẽ phát triển được nhờ tìm kiếm được những sự khác biệt”.
Trong khi đó, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là khu Kinh tế cửa khẩu duy nhất trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cả Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và Quy hoạch chung xây dựng. Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái, trong đó có cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tiếp giáp với thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái bao gồm toàn bộ diện tích, dân số của thành phố Móng Cái và 9 xã, thị trấn của huyện Hải Hà với tổng diện tích hơn 121.000 ha. Khu kinh tế cửa khẩu này sẽ phát triển 3 trụ cột kinh tế chính là thương mại, du lịch và công nghiệp. Ông Nguyễn Ngọc Thủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: “Khi chúng ta có quy hoạch rồi thì các nhà đầu tư chiến lược có định hình rõ nét để đầu tư vào khu vực này. Đặc biệt là khi Việt Nam đã kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và khi TPP chính thức có hiệu lực thì đây là một trong những sản phẩm có sức cạnh tranh của tỉnh Quảng Ninh”.
Có quy hoạch với tầm nhìn dài hạn, nhiều nhà doanh nghiệp cũng yên tâm khi đầu tư tại Móng Cái. Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Ngọc Hà, cho biết: “Trước đây muốn đầu tư gì thì phải đi tìm địa điểm sau đó là khảo sát và các thủ tục mất rất nhiều thời gian mà cũng khó khăn cho doanh nghiệp rất nhiều. Bây giờ quy hoạch phát triển của Móng Cái được công bố thì thuận lợi rất nhiều cho chúng tôi. Quy hoạch này lâu dài nên khi doanh nghiệp chúng tôi đầu tư vào thì cũng an tâm hơn”.
Với việc tạo nhiều điều kiện đặc biệt thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch, các khu kinh tế cửa khẩu ở Quảng Ninh đang dần trở thành điểm đến của nhiều dòng khách cả trong nước và quốc tế. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Công ty Du lịch Hải Lâm Sa, cho biết: “Trong thời gian qua, chúng tôi đón được rất nhiều các dòng khách vào thăm quan Móng Cái, đặc biệt là khách Việt Nam và khách Trung Quốc. Họ đánh giá rất cao về sự phát triển của Thành phố Móng Cái. Trong thời gian tới, theo dự đoán của chúng tôi sẽ có nhiều dòng khách của các nước trong khu vực kể cả khách Châu Âu cũng sẽ đến Móng Cái”.
Đến nay, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đã thu hút được 20 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1 tỷ USD và hàng trăm dự án đầu tư DDI. Còn Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô – Đồng Văn cũng đã thu hút được trên 1.100 tỷ đồng từ các nhà đầu tư ngay trong ngày công bố quy hoạch. Trong thời gian tới, khoảng 40 dự án thuộc 7 lĩnh vực: giao thông; hạ tầng; văn hóa, thương mại, dịch vụ; y tế, giáo dục; điện, cấp thoát nước, môi trường; nông nghiệp, công nghiệp sẽ được ưu tiên kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp này.