(VOV5) - Năm 2013, tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, nhưng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt nam vẫn đạt kết quả ấn tượng. Đặc biệt, một loạt các dự án lớn mang tính đột phá đã được đầu tư vào các tỉnh miền Trung thời gian vừa qua đã, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho vùng đất này.
Năm 2013, các tỉnh miền Trung đã thu hút được 850 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 25,5 tỷ USD, chiếm gần 12% vốn FDI của cả nước. Các địa phương thu hút được nhiều FDI là các tỉnh: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi…Trong đó nổi bật là các dự án đầu tư về lọc hóa dầu đã tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực miền Trung. Dự án lọc dầu Nghi Sơn liên doanh giữa Nhật bản và các đối tác tại Nghi Sơn, Thanh Hóa có tổng vốn hơn 9 tỷ USD là dự án FDI lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Dự án này cũng đã mở ra cơ hội phát triển cho cả khu vực miền Trung. Ông Trần Hòa, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn, cho biết :“ Khu Kinh tế Nghi Sơn với sự lan tỏa của Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ mở rộng thêm một số công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghiệp cao, công nghiệp phụ trợ và một số dịch vụ…Chính phủ và Bộ Kế hoạch Đầu tư đã cho phép mở rộng khu công nghiệp với quy mô 45.000 ha. Hiện nay tỉnh Thanh Hóa đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết nhanh thủ tục hành chính, mặt bằng…”
|
Dự án lọc hóa dầu tại khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) -ảnh: VNE |
Năm 2013, Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, một dự án hợp tác giữa Vương quốc Anh và Liên bang Nga tại tỉnh Phú Yên cũng đã được điều chỉnh nâng vốn đầu tư từ 1,7 tỷ USD lên 3,18 tỷ USD. Cũng trong năm, siêu dự án “tổ hợp lọc hóa dầu” của Tập đoàn PTT Thái Lan dự kiến quy mô đầu tư khoảng 27 tỷ USD cũng đã được Chính phủ cho phép lập dự án tại tỉnh Bình Định. Trong khi đó, khu kinh tế Dung Quất, nơi có dự án lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động, đến nay cũng đã thu hút hơn 10 tỷ USD vốn đầu tư, trong đó vốn thực hiện đạt trên 5 tỷ. Những dự án tầm cỡ này đã và đang nâng tầm miền Trung trở thành điểm sáng trên bản đồ thu hút FDI cả nước.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, nhiều năm chuẩn bị đầu tư sở hạ tầng, kiên trì thực hiện các chính sách cởi mở, tích cực hỗ trợ cho các nhà đầu tư…đã góp phần tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn các nhà đầu tư tìm đến các tỉnh miền Trung. Chỉ tính riêng 3 năm giai đoạn (2007-2009), tổng vốn FDI vào vùng đã đạt mức kỷ lục gần 11,3 tỷ USD, hơn gấp 4 lần của 19 năm trước đó (giai đoạn 1988-2006) cộng lại, chỉ đạt 2, 7 tỷ USD. Không chỉ tăng về số lượng, mà chất lượng các dự án cũng được nâng cao. Những dự án đầu tư về lọc hóa dầu trị giá gần chục tỷ USD là bằng chứng sinh động cho điều đó. Đặc biệt có những tỉnh khó khăn như: Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định… trước đây chỉ có một vài dự án trị giá vài chục triệu USD, thì giờ đây đã có dự án hàng tỷ USD. Các dự án đầu tư về lọc hóa dầu không chỉ nâng tầm cỡ về đầu tư, mà còn kéo theo hàng loạt các dự án về nhiệt điện, luyện cán thép, hóa chất, công nghiệp cao, công nghiệp phụ trợ… trị giá hàng tỷ USD, mở ra nhiều hướng, nhiều lĩnh vực, thu hút lao động địa phương. Những khu công nghiệp, khu kinh tế ở khu vực miền Trung với cơ chế, chính sách vượt trội, với định hướng phát triển ngành công nghiệp sẽ trở thành “đầu tàu” kéo theo sự phát triển kinh tế của cả vùng, làm cho các dự án đầu tư có sức lan tỏa, góp phần phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững hơn. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm: Đà Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có vai trò động lực rất lớn trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung. Với vai trò hạt nhân, các địa phương này đang gặt hái nhiều thành công trong xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp lớn từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc, đã tìm đến đây đầu tư lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.
|
Nhà đầu tư Thái Lan khảo sát khu vực dự kiến xây dựng nhà máy lọc - hóa dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội |
Với điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng tương đối giống nhau, những năm gần đây, các tỉnh khu vực miền Trung đã và đang đẩy mạnh liên kết trong xúc tiến, thu hút đầu tư. Những hội thảo về liên kết vùng được tổ chức thường xuyên đã giúp lãnh đạo các địa phương có cơ hội ngồi với nhau để trao đổi, phân tích và phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương. Đến nay, mỗi tỉnh, thành đã xác định rõ từng lĩnh vực thu hút đầu tư phù hợp với địa phương mình. Như Đà Nẵng tập trung kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, tài chính; Quảng Nam và Thừa Thiên Huế ưu tiên phát triển du lịch; Quảng Ngãi là công nghiệp nặng, còn Bình Định và Phú Yên xác định kêu gọi đầu tư vào lọc hóa dầu. Ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng: công tác xúc tiến đầu tư ngày càng phải chuyên nghiệp hơn:“Tỉnh chúng tôi đã, đang và sẽ luôn sát cánh và hỗ trợ cho nhà đầu tư với tinh thần là coi công việc của nhà đầu tư là chính công việc của chúng tôi. Khó khăn của nhà đầu tư là khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi và cùng nhau tháo gỡ một cách kịp thời”.
Đến nay, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào các tỉnh miền Trung đã đóng góp 6% tổng sản phẩm xã hội của khu vực và giải quyết việc làm cho 66.000 lao động. Liên kết thu hút đầu tư được các địa phương xem là khâu đột phá trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngân sách và tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá./.