(VOV5) - Mục đích của việc tham vấn theo thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO nhằm tạo cơ chế để các thành viên của tổ chức này giải quyết những quan ngại thương mại thông qua thương lượng và hòa giải.
Ngày 1/6, Việt Nam gửi yêu cầu tới Indonesia đề nghị tham vấn về việc nước này áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với mặt hàng thép cán không hợp kim (tôn lạnh) theo thủ tục giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Yêu cầu này đã được thông báo tại trang web chính thức của WTO.
|
Tôn thành phẩm của nhà máy tôn Hoa Sen Phú Mỹ. (Ảnh: TTXVN) |
Việt Nam đưa ra yêu cầu trên sau nhiều lần thực hiện các biện pháp tham vấn kỹ thuật và hợp tác ngoại giao giữa hai nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam theo quy định của GATT 1994 và Hiệp định Tự vệ WTO mà không đạt được kết quả. Trước đó, ngày 12/2/2014, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), một trong ba thành viên WTO chịu ảnh hưởng bởi biện pháp tự vệ thương mại của Indonesia, cũng gửi yêu cầu tham vấn theo cơ chế WTO.
Mục đích của việc tham vấn theo thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO nhằm tạo cơ chế để các thành viên của tổ chức này giải quyết những quan ngại thương mại thông qua thương lượng và hòa giải. Việt Nam hy vọng sau cuộc tham vấn, hai bên sẽ đạt được sự đồng thuận về giải pháp giải quyết vụ việc mà không phải yêu cầu WTO thành lập Ban Hội thẩm để xử lý tranh chấp, đặc biệt khi hai nước đều là thành viên ASEAN.
Ngày 7/7/2014, Bộ Tài chính Indonesia đã ban hành quyết định áp thuế tự vệ thương mại trong 3 năm (2014 - 2106) đối với mặt hàng tôn lạnh nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế rất cao, khoảng gần bằng 50% xuất khẩu của sản phẩm này cho năm 2014, 46% cho năm 2015 và 41% năm 2016. Việt Nam là nhà xuất khẩu bị ảnh hưởng nhất vì có thị phần xuất khẩu vào Indonesia đạt khoảng 50-60% tổng lượng nhập khẩu mặt hàng tôn lạnh của nước này. Sau quyết định trên, Tập đoàn Hoa Sen - doanh nghiệp xuất khẩu tôn lớn nhất của Việt Nam vào thị trường Indonesia, đã không thể tiếp tục xuất khẩu được mặt hàng này./.