(VOV5) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên họp toàn thể với chủ đề “Hành động vì một Việt Nam thịnh vượng”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chủ trì phiên toàn thể với chủ đề " Hành động vì một Việt Nam thịnh vượng". - Ảnh: Lê Phương/VOV5
|
Chiều 19/09, trong khuôn khổ Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên họp toàn thể với chủ đề “Hành động vì một Việt Nam thịnh vượng”. Tại phiên thảo luận, các diễn giả chia sẻ về các vấn đề liên quan đến kinh nghiệm thoát bẫy thu nhập trung bình thông qua đổi mới sáng tạo và đưa ra những khuyến nghị cho Việt Nam; chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế về tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu nhằm đạt được năng suất cao hơn; định hướng phát triển để Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu chủ trì Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030 trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều biến động khó lường với những căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu…. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có bản lĩnh vực vàng, tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng, phát huy nguồn nhân lực với những quan điểm phát triển mạnh mẽ.
"Thứ nhất, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định chính trị, xã hội cho phát triển nhanh và bền vững.Thứ 2, thực hiện đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện đại, hội nhập, phục vụ người dân, doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế số, xã hội số. Thứ 3, phát huy nội lực, giải phóng các nguồn lực tiềm năng trong xã hội trên cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ mới, phát triển khu vực tư nhân năng động, sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, động lực phát triển. Tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho nền giáo dục quốc gia. Thứ 4, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có sức chống chịu và khả năng thích ứng cao, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững SDG 2030 của Liên hợp quốc, mang thịnh vượng đến mọi nhà. Thứ 5, mở rộng đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện hiệu quả các hiệp định FTA đã ký, tích cực tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những nhận định của các chuyên gia quốc tế về những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với Việt Nam hiện nay như: khả năng chống chịu và thích ứng với những biến động bên ngoài còn yếu; năng lực tiếp cận với nền kinh tế số còn nhiều hạn chế; tốc độ tăng trưởng GDP có dấu hiệu chững lại thời gian gần đây và đặc biệt là nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu còn cao…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: "Không có cách nào khác là Việt Nam phải hành động, vươn lên phát huy nguồn nhân lực năng động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới nhằm nâng cao trình độ để ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, mạnh mẽ tiến lên những nấc thang có giá trị, gia tăng cao hơn, thu được nhiều hơn khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Nhìn rộng ra, đây là phương cách để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế, góp phần giúp Việt Nam nâng cao năng lực để tự tin phát triển nhanh, bền vững, không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình".
Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương lắng nghe những ý kiến , đề xuất của các chuyên gia quốc tế và trong nước, để tìm ra những cách làm phù hợp cho Việt Nam, đóng góp trực tiếp cho việc hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Từ đó, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp, thuộc nhóm dẫn đầu các nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.