(VOV5) - Sự cởi mở của Việt Nam đối với thương mại và FDI bắt nguồn từ sự kết hợp giữa những tính toán cả về mặt chiến lược và kinh tế.
Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ngày 2/9 đăng bài viết về sự phát triển của kinh tế Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong 30 năm qua phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử, thiết bị thắp sáng trong xe ô tô, xe máy tại Công ty TNHH Điện Việt Nam Stanley (vốn đầu tư của Nhật Bản) tại Hà Nội. - Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Bài viết nêu rõ giao thương quốc tế và FDI trong hơn 30 năm qua đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới. Tại châu Á, Việt Nam chỉ đứng sau Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) Singapore. Dòng vốn FDI hàng năm của Việt Nam tương đương 6,3% GDP, cao thứ 4 ở Đông Nam Á.
Bài báo nhấn mạnh sự cởi mở của Việt Nam đối với thương mại và FDI bắt nguồn từ sự kết hợp giữa những tính toán cả về mặt chiến lược và kinh tế. Việt Nam coi hội nhập kinh tế quốc tế là biện pháp chủ chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; coi thương mại và đầu tư là các công cụ quan trọng để chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế. Đồng thời, Việt Nam cũng có những lợi ích chiến lược khi theo đuổi các cơ chế thương mại mở, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nền kinh tế chủ chốt và thu hút FDI.