Việt Nam và EU ký Hiệp định VPA/FLEGT

(VOV5) - Bà Federica Mogherini cho rằng với việc ký Hiệp định này, Việt Nam và EU cùng hợp tác để giải quyết tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp và các hệ quả nguy hại của tình trạng này.

Trưa 19/10, tại Brussel, Bỉ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chứng kiến lễ ký Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Hiệp định nhằm giúp tăng cường quản trị rừng, giải quyết tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp và thúc đẩy thương mại gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU và các thị trường khác.

Việt Nam và EU ký Hiệp định VPA/FLEGT - ảnh 1Lễ ký hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU. 

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, ông Sebastian Kurz, Thủ tướng Áo, hiện đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Liên minh Châu Âu và bà Federica Mogherini, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, đại diện cấp cao về đối ngoại và an ninh của EU cùng nhau ký Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản. Hiệp định sẽ có hiệu lực sau khi được phê chuẩn theo quy định pháp luật của mỗi bên.

Bà Federica Mogherini cho rằng với việc ký Hiệp định này, Việt Nam và EU cùng hợp tác để giải quyết tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp và các hệ quả nguy hại của tình trạng này. EU hoan nghênh tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được nhằm chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản và các bước đầu tiên trong việc tăng cường kiểm soát gỗ nhập khẩu.

Về phần mình, ông Nguyễn Xuân Cường nêu rõ để thực hiện Hiệp định, Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) toàn diện và tin cậy nhằm đảm bảo gỗ nhập khẩu và sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp thông qua hệ thống xác minh đối với gỗ trong nước và gỗ nhập khẩu được khai thác và kinh doanh tuân thủ quy định pháp luật của nước khai thác.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác