(VOV5) -Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với 35 quốc gia trong khu vực Châu Mỹ.
Tối 25/2, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Chương trình Gặp gỡ các đối tác khu vực Châu Mỹ năm 2019. Diễn đàn có sự tham dự của gần 200 đại biểu là đại sứ và đại diện cơ quan ngoại giao các nước khu vực châu Mỹ; Lãnh đạo các bộ ngành, các cơ quan xúc tiến thương mại trong và ngoài nước cùng đông đảo doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp thuộc các nước khu vực châu Mỹ.
Phát biểu tại đây, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh những thành tựu của kinh tế Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là kết quả tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2018, sự hợp tác và hỗ trợ hiệu quả cuả cộng đồng các đối tác quốc tế, trong đó có các đối tác châu Mỹ.
Xuất khẩu thủy sản đã vượt qua một năm khó khăn..Ảnh ND |
“Trên nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và những tiền năng hợp tác to lớn, Việt Nam và các nước châu Mỹ đang ngày càng xích lại gần nhau để mở rộng và phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Quan hệ Việt Nam - châu Mỹ đang đứng trước những vận hội to lớn cần nắm bắt để có thể phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa.Việt Nam mong muốn nâng cao hơn nữa giá trị thương mại và đầu tư với các nước trong khu vực, trong đó tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, nông nghiệp kỹ thuật cao và các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.”
Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với 35 quốc gia trong khu vực Châu Mỹ. Từ quy mô trao đổi thương mại còn rất khiêm tốn vào những năm 1990, đến nay, tổng kim ngạch thương mại hai chiều không ngừng tăng nhanh. Trong 10 năm trở lại đây, tăng khoảng 4,5 lần - từ 17,2 tỷ USD năm 2008 lên 78,35 tỷ USD năm 2018. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này đạt hơn 58,03 tỷ USD. Đã có 24 quốc gia châu Mỹ đang có đầu tư tại Việt Nam với 1.180 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 15,5 tỷ USD. Để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các nước khu vực châu Mỹ, Việt Nam đã đàm phán và ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận với một số nước trong khu vực. Đáng kể là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 11 thành viên, trong đó có Canada, Chile, Peru, Mexico và Việt Nam.