(VOV5) - Bắt đầu từ quý 3 cho tới hết năm, tăng trưởng của các ngành có thể quay trở lại mức tăng trưởng những năm gần đây.
Xưởng khuôn đúc của Nhà máy Nhựa Hà Nội - Ảnh minh họa: Báo Đầu Tư
|
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội sáng 13/4 công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 1 năm nay.
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đã xây dựng 3 kịch bản kinh tế dựa trên kịch bản về khả năng kiểm soát dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới. Theo đó, tại Việt Nam, trong bất kỳ kịch bản nào, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay dệt may sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh. Kịch bản đầu tiên, tác động xấu nhất của dịch vào quý 2. Bắt đầu từ quý 3 cho tới hết năm, tăng trưởng của các ngành có thể quay trở lại mức tăng trưởng những năm gần đây. Trong khi đó, kịch bản thứ 2, tác động xấu nhất của dịch rơi vào 2 quý và quý 3. Bắt đầu từ quý 4 cho tới hết năm, tăng trưởng của các ngành có thể quay trở lại mức tăng trưởng của những năm gần đây. Kịch bản 3, tác động xấu của dịch kéo dài tới tận quý 4, nền kinh tế bắt đầu hồi phục vào cuối năm nay.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, nhận định: “Tôi không nghĩ rằng môi trường đầu tư chúng ta lại có thể kém hơn các nơi khác bởi chúng ta có sự hấp dẫn về thể chế. Về chuỗi cung ứng, bản thân doanh nghiệp Việt Nam cũng phải chủ động trong chiến lược mới. Với những nước như Việt Nam thì đây cũng rất là tốt để chúng ta chỉ một bước dài trong chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị thế giới”.