(VOV5) - Các diễn giả cho rằng vùng lúa chuyên canh chất lượng cao 1 triệu ha là hình mẫu về sản xuất lúa giảm phát thải mà Việt Nam là nước đầu tiên triển khai trên thế giới.
“Hội thảo tham vấn các đối tác quốc tế và tổ chức tín dụng trong nước về Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra chiều 29/3 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Tại hội thảo, các diễn giả cho rằng vùng lúa chuyên canh chất lượng cao 1 triệu ha là hình mẫu về sản xuất lúa giảm phát thải mà Việt Nam là nước đầu tiên triển khai trên thế giới, qua đó sẽ thu hút sự quan tâm và hỗ trợ của đối tác quốc tế về nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ trước những thách thức về biến đổi khí hậu và an ninh lương thực.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: Đề án sẽ chuyển đổi căn bản hệ thống sản xuất lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn với việc chuyển đổi tư duy sản xuất của nông dân về nông nghiệp nói chung và lúa gạo nói riêng, qua đó chuyển từ sản xuất lúa chất lượng cao nâng lên trình độ cao hơn mà ở đó gia tăng giá trị lúa gạo và phát triển bền vững: “Đề án không chỉ phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao mà còn nâng cao vai trò của hợp tác xã gắn với doanh nghiệp để tạo chuỗi giá trị. Đề án khi triển khai cần rất nhiều nguồn lực đầu tư. Quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là huy động nguồn lực xã hội tham gia, trong đó có hỗ trợ một phần về cơ chế, chính sách của Nhà nước, huy động nguồn lực của doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức quốc tế và tổ chức tín dụng để hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất”.
Cũng tại hội thảo, đại diện các đối tác và tổ chức quốc tế cam kết cùng đồng hành và hỗ trợ Đề án của Việt Nam. Ông Li Guo, Chuyên gia cao cấp Kinh tế nông nghiệp của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, cho biết: WB đã và đang thực hiện dự án hỗ trợ khoảng 40 triệu USD, cùng với đó là Dự án trị giá 60 triệu USD để phát triển thị trường tín chỉ các bon sau năm 2027, bên cạnh đó còn có chương trình hỗ trợ 20 triệu USD không hoàn lại để hỗ trợ Đề án. WB mong muốn phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các nhà tài trợ thực hiện các dự án ở Đồng bằng sông Cửu Long.