(VOV5) - Sau mức tăng trưởng xuất khẩu của quý I của Việt Nam đạt hơn 15 % so với mức dưới 10% cùng kỳ của năm ngoái, Bộ Công thương dự báo trong quý II, xuất khẩu có khả năng tăng trưởng tích cực hơn.
Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do sự tăng giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực và lượng hàng xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm đều tăng.
|
Xuất khẩu quý II với nhiều dự báo khả quan. (Ảnh minh họa:KT) |
Tháng 3, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 17 tỷ USD. Tính chung cả 3 tháng đầu năm nay đạt gần 45 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là những con số ấn tượng, tạo đà cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới.
Sự tăng giá ở hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực là nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu cao hơn so với dự kiến ban đầu như: nhiên liệu khoáng sản, dầu thô, nhiên liệu khoáng sản, nông-lâm - thủy sản và công nghiệp chế biến... Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường trọng điểm là Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, ASEAN… cũng tăng mạnh hơn so với năm ngoái. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng: “Trong thời gian tới cần chuẩn bị tốt nguồn nội lực cho xuất khẩu. Gia tăng nội lực ở đây thể hiện ở việc đổi mới công nghệ, đổi mới các phương pháp quản trị để theo kịp các nước khác để doanh nghiệp có thể đem lại nhiều giá trị ngay trên đất Việt Nam. Cùng với phải phát triển thị trường, Chính phủ luôn nỗ lực khai phá thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do. Hiện nay chúng ta đã ký thực hiện với 17 FTA khác nhau và có những Hiệp định chúng ta đang đàm phán và tiếp tục thực hiện tiếp”.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU - bao gồm các nước Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) đã có hiệu lực từ ngày 05/10/2016. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế khi xuất khẩu sang khu vực thị trường rộng lớn với 183 triệu dân này. Bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ Trưởng Vụ Thị trường Châu Âu , Bộ Công Thương, cho rằng: “Để tận dụng được những lợi thế, chúng ta đã mở thêm một thị trường mới để thúc đẩy xuất khẩu hơn nữa hàng hóa của Việt Nam ra thế giới. Đối với những thị trường chúng ta đã có, chúng ta vẫn tiếp tục củng cố. Tuy nhiên, nhiệm vụ của Bộ Công Thương vẫn phải tìm kiếm thêm những cơ hội mới cả về cắt giảm thuế quan, khắc phục những hàng rào phi thuế quan để mở rộng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.”
Theo các cam kết của hiệp định EAEU, hai bên sẽ cắt giảm thuế cho gần 90% các mặt hàng, và mở cửa thị trường đối với một số lĩnh vực thương mại dịch vụ và đầu tư. Trong bối cảnh như vậy, các mặt hàng như dệt may, nông thủy sản, da giày… của Việt Nam sẽ có lợi thế lớn khi xuất khẩu vào 5 nước thuộc liên minh kinh tế , một thị trường với 183 triệu người tiêu dùng. Đây là tín hiệu lạc quan để xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng tốt hơn trong năm nay.