(VOV5) - Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam tăng trưởng mạnh trong năm 2015 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2016.
Hiện tại, Việt Nam có khoảng 450 ngàn ha điều, được trồng tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đông Nam Bộ như: Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, các tỉnh Tây Nguyên và còn có thể mở rộng diện tích trồng điều ra nhiều địa phương khác. Những năm gần đây, nhân điều là mặt hàng nông sản của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng.
|
Chế biến hạt điều xuất khẩu. Ảnh: Internet. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu 330 ngàn tấn nhân điều, đạt tổng kim ngạch 2,5 tỷ đô la Mỹ. 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó Mỹ, Trung Quốc và châu Âu là những thị trường chủ lực nhập khẩu nhân điều của Việt Nam. Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội điều Việt Nam, cho biết: “Hạt điều được coi là một trong hai mặt hàng xuất khẩu tăng cả về lượng và giá trị trong khối các mặt hàng nông sản Việt Nam trong năm 2015. Với kết quả này thì đây là năm thứ 10 liên tiếp hạt điều tiếp tục duy trì vị trí xuất khẩu hàng đầu thế giới và hiện chiếm 50% tổng giá trị thương mại nhân điều toàn cầu”.
Tuy nhiên xuất khẩu điều của Việt nam vẫn chủ yếu xuất ở dạng thô, chiếm tới 90% lượng điều xuất khẩu. Do vậy, ngành điều Việt nam đang đặt ra mục tiêu đẩy mạnh chế biến, đa dạng hoá sản phẩm nhằm nâng cao giá trị điều xuất khẩu trong thời gian tới. Tại Hội nghị vừa diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội điều Việt nam cho biết: tỷ lệ điều chế biến xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 5% năm 2014 lên 7% trong năm 2015. Nhưng theo nhận định, tỷ lệ này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Chiếu, Chủ tịch Hội đồng quảng trị công ty cổ phần chế biến nông sản Long An, cho rằng: “Để tăng kim ngạch xuất khẩu điều, ngành điều đang có chủ trương nâng cao giá trị sản phẩm hạt điều. Điều này có nghĩa thời gian tới sẽ giảm việc xuất khẩu thô, giảm xuất khẩu điều nguyên liệu”.
Mặc dù khối lượng điều xuất khẩu lớn, nhưng ngành điều hiện chưa chú trọng nhiều về công nghệ chế biến. Để tăng giá trị hàng xuất khẩu, bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ, ngành điều đang tập trung đa dạng hoá sản phẩm, đặc biệt là tạo ra các sản phẩm mới có giá trị. Ông Vũ Văn Tích, Trưởng Ban khoa học công nghệ trưòng đại học quốc gia Hà Nội, cho rằng: “Từ hạt điều có thể cho ra tinh dầu, rồi từ vỏ hạt điều tạo ra nhiên liệu và từ nhựa của cây điều có thể tạo ra các loại sơn rất tốt, chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt. Tất cả những thứ đó chính là những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, đem lại giá trị xuất khẩu cao hơn”.
Như đã kể trên, sản phẩm hạt điều của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô sang thị trường: Mỹ, EU, Nhật và Trung quốc... là những thị trường lớn, đòi hỏi khắt khe về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, công nghệ chế biến của nhiều công ty xuất khẩu điều lớn của Việt Nam còn hạn chế. Theo ông Nguyễn Quang Huyên, Giám đốc Công ty cổ phần xuất khẩu Hoàng Sơn (Bình Phước), điều quan trọng nhất hiện nay là Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các công ty xuất khẩu điều tăng cường đầu tư công nghệ chế biến, sản xuất sản phẩm đa dạng và mở rộng thị trường. Ông Nguyễn Quang Huyên cho biết: “Hiện nay mới chỉ có hơn 160 doanh nghiệp chế biến quy mô lớn và trong đó mới có khoảng 30 doanh nghiệp bắt đầu đầu tư, xây dựng hình ảnh của mình , áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm một cách bài bản để hội nhập các nước. Nhưng tới đây xu hướng này tiếp tục sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn”.
Ngoài yếu tố chất lượng sản phẩm, nhiều doanh nghiệp ngành điều giờ đây đã chú ý nhiều hơn tới phát triển thị trường, đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến, gây dựng thương hiệu. Trong năm nay và thời gian tới, ngành điều Việt Nam cũng sẽ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm giảm thấp nhất những rủi ro trong sản xuất và xuất khẩu nhân điều ra thế giới.